Vẫn còn định kiến giới trong quá trình tác nghiệp
Ngày 18/10, tại Toà nhà Liên Hợp Quốc đã diễn ra toạ đàm "Giới và Báo chí". Đây là sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam do nhóm G4 – đại sứ quán các nước Canada, Na Uy, Niu di lân, Thuỵ Sĩ và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp (UNDP) với CLB Nhà báo nữ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Sự kiện nhằm tạo ra không gian để các nhà báo và chuyên gia chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và quan điểm của bản thân về giới và báo chí.
Tại buổi toạ đàm, nhà báo Trần Hoàng Lan – Báo Phụ nữ Thủ đô nói về những khó khăn gặp phải của báo giới trong quá trình tác nghiệp. Theo đó, báo giới vẫn đang chịu nhiều định kiến từ xã hội.
Đơn cử, nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức vẫn định kiến cho rằng báo phụ nữ chỉ quan tâm tới các vấn đề như: “con cá, lá rau”, “quan hệ mẹ chồng-nàng dâu”... Định kiến giới đã cản trở phạm vi hoạt động, đề tài của phóng viên.
Nhiều sự kiện được báo giới tổ chức có tỷ lệ nữ tham dự vẫn chiếm đa số, nam giới ít tham dự dẫn tới thực tế “phụ nữ tự nói cho nhau nghe về vấn đề của chính mình”.
Các bài viết trên báo giới chưa đạt được hiệu quả và phạm vi tuyên truyền tới nam giới trong khi đây là lực lượng quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới.
Phóng viên nữ khi tham gia nhiều vụ việc còn gặp nguy hiểm, đe dọa của thủ phạm bạo hành, xâm hại. Khi tác nghiệp những vụ việc liên quan trực tiếp đến giới như bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Nhiều nạn nhân từ chối tố cáo, hợp tác hoặc che giấu bằng chứng cho thủ phạm (là người thân trong gia đình) do rào cản tâm lý hoặc thiếu hiểu biết pháp luật.
Đưa tiếng nói và quan điểm của phụ nữ vào bài viết
Trên nền tảng câu chuyện khi tiếp xúc với nạn nhân của bạo lực, xâm hại của nhà báo Trần Hoàng Lan, ThS.Trần Lệ Thuỳ - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển MDI cho rằng, nhà báo cần hiểu nạn nhân và biết cách tiếp cận, phỏng vấn đối với các đối tượng bị bạo lực giới.
Tại buổi toạ đàm, PGS.TS.Minelle Mahtani - Viện công bằng xã hội, ĐH British Colombia đã đưa ra khuyến nghị khi tác nghiệp đối với báo giới thông qua nền tảng trực tuyến. Theo đó, những người cầm bút cần cẩn trọng hơn trong việc tiếp cận đối với nạn nhân của bạo lực giới.
Theo bà Mahtani, hình ảnh của nữ giới hiện nay chưa được nhấn mạnh trong các bản tin, họ vẫn là đối tượng ít được nói đến hay bị mô tả sai lệch. Chính vì vậy, với tư cách là nhà báo, là tiếng nói cho những người không có tiếng nói trong xã hội, cần có kiến thức sâu sắc hơn về giới để có thể thông tin một cách chính xác đến công chúng. `
Khi nói đến nạn nhân là phụ nữ, cần đảm bảo sự riêng tư, an toàn cho họ. Hình ảnh người phụ nữ cần được thể hiện trong mỗi câu chuyện, cần đưa tiếng nói và quan điểm của họ vào bài. Đặc biệt, nhà báo không nên có cái nhìn thiển cận, định kiến về giới khi thông tin.
Đồng thời, cần cân nhắc, cẩn trọng trong việc sử dụng hình ảnh và từ ngữ đối với nạn nhân. Nhất là đối với đại từ danh xưng, bởi nó thể hiện sự tôn trọng, am hiểu về đối phương.
Khi tiếp xúc với nạn nhân, người làm báo cần thúc đẩy sự tự tin, tạo lòng tin, để họ có tâm thế thoải mái nhất khi kể lại câu chuyện. Không ai muốn chia sẻ những câu chuyện tiêu cực, bạo lực đã xảy ra với bản thân, trừ khi họ cảm thấy đủ tin tưởng đối phương.
Đồng quan điểm với bà Mahtani, bà bà Tredene Dobson – Đại sứ Niu di lân cho rằng cần có những cuộc tập huấn, nâng cao nhận thức cho nhà báo khi họ đưa tin bài về nạn nhân. Đông thời cũng cần có thêm các cơ quan báo chí cũng như nhóm thúc đẩy quyền, xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
Thu Hương