Nguồn tin cho biết, đội tàu của Trung Quốc kéo ra quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) đều là tàu đánh cá cỡ lớn, trên 100 tấn và sẽ hoạt động ở vùng biển này trong khoảng 40 ngày.
Các tàu cá đều được trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin liên lạc và dưới sự chỉ huy chung.
Các ngư dân Trung Quốc đứng trên tàu cá chuẩn bị tiến ra ngư trường quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam . Ảnh: Global Times |
“Chúng tôi đang tìm kiếm và khai thác nguồn tài nguyên biển một cách có hệ thống”, dẫn lời ông Huang Wenhui, quan chức Sở Ngư nghiệp và hải dương tỉnh Hải Nam.
Theo dự kiến, hàng chục tàu cá của Trung Quốc sẽ hoạt động ở ngư trường quần đảo Trường Sa trong khoảng 40 ngày. Đây là đợt kéo tàu đông nhất từ đầu năm tới nay . Ảnh: Global Times |
Quan chức Huang Wenhui cũng nói thêm, mục tiêu cuối cùng của đợt điều tàu ra vùng biển này là phát triển một cách quy mô hoạt động đánh bắt cá của ngư dân ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Đây là đợt điều tàu quy mô lớn nhất của Trung Quốc tới ngư trường quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) từ đầu năm 2013 đến nay.
Hồi tháng 7 năm ngoái, tỉnh Hải Nam cũng từng ngang nhiên đưa một đội tàu gồm 30 chiếc đến đánh cá trái phép quần đảo Trường Sa.
|
Các tàu cá của Trung Quốc xuất phát từ một cảng của thành phố Đam Châu, tỉnh Hải Nam lúc 10 giờ, ngày 6/5. Ảnh: Global Times |
Trong khi đó, theo CCTV, số tàu của Trung Quốc kéo ra vùng biển quần đảo Trường Sa là 32, trong đó 22 tàu xuất phát cụ thể từ thành phố Đam Châu, tỉnh Hải Nam vào lúc 10 giờ ngày 6/5.
Trong số những con tàu đó, có một tàu tiếp tế hậu cần tổng hợp trọng tải 4.000 tấn và một tàu vận tải trọng tải 1.500 tấn làm nhiệm vụ bảo đảm vật tư thiết yếu như dầu, nước ngọt, hỗ trợ xử lý các tình huống khẩn cấp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lương Thanh Nghị đã yêu cầu phía TQ chấm dứt các việc làm sai trái nêu trên, không được làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở biển Đông. Những hành động trên diễn ra chỉ một ngày sau khi tân Ngoại trưởng TQ Vương Nghị kết thúc chuyến thăm 4 nước ASEAN, trong đó ông phát biểu rằng TQ và các thành viên ASEAN đã đạt được thỏa thuận hai bên đủ khả năng duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. |
Ngang nhiên tuyên bố chủ quyền
Trước đó một ngày (hôm 5/5), Trung Quốc đã điều 9 con tàu hộ tống và kéo dàn khoan - lọc dầu khí Lệ Loan 3-1 hướng ra Biển Đông. Theo dự kiến, dàn khoan này sẽ bắt đầu "khai thác dầu khí" trên một vùng biển ở Biển Đông vào cuối tháng 9 năm nay.
Theo CCTV, mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định họ không nhận được bất cứ thông tin nào về đội tàu song người phát ngôn cơ quan này vẫn lên tiếng khẳng định chủ quyền ở vùng biển quần đảo tranh chấp.
“Chúng tôi không nhận được bất cứ thông tin nào về những gì mới diễn ra nhưng quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh là lãnh thổ của Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngang ngược phát biểu trước báo giới Bắc Kinh.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông bằng đường chín đoạn (đường lưỡi bò).
Hồi cuối tháng ba năm nay, tàuTrung Quốc đã ngang nhiên bắn và khiến tàu cá của Việt Nam bị cháy khi đang hoạt động trên biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối hành động ngang ngược này của Trung Quốc.
Theo Tiền Phong