1. Cầu vượt thép tại vòng xoay Cây Gõ:
Cầu vượt thép tại vòng xoay Cây Gõ (quận 6, TP.HCM) được đưa vào sử dụng ngày 19/10/2013, giúp giảm tình trạng ùn tắc tại khu vực này trong giờ cao điểm.
Cầu có 14 nhịp, được thiết kế hình chữ Y, gồm 2 nhánh: Nhánh chính dài 350m chạy dọc đường Hồng Bàng và một nhánh phụ rẽ sang đường 3/2 dài 250m.
Công trình do khu Quản lý Giao thông Đô thị 1 (TP.HCM) làm chủ đầu tư với ngân sách hơn 450 tỷ đồng. Xí nghiệp cơ khí Quang Trung và tổng công ty Thăng Long là 2 đơn vị trúng thầu thi công.
2. Cầu vượt ngã sáu Gò Vấp:
Cầu vượt ngã sáu Gò Vấp (quận Gò Vấp) có hình chữ Y, gồm 2 nhánh: Nhánh Nguyễn Oanh – Nguyễn Kiệm (dài 240,7m, rộng 6m) thông xe vào tháng 1/2017; nhánh Nguyễn Oanh – Phạm Ngũ Lão (dài hơn 280m, rộng 6m) gồm 14 nhịp, mới được đưa vào sử dụng ngày 31/10/2017 vừa qua.
Công trình nằm trong dự án xóa bỏ 37 điểm kẹt xe của thành phố, với vốn đầu tư 405,7 tỷ đồng. Theo sở Giao thông –Vận tải TP.HCM, cầu vượt ngã sáu Gò Vấp sẽ giúp giảm thiểu 80% tình trạng kẹt xe tại nút giao thông.
3. Cầu vượt tại nút giao ngã sáu Nguyễn Tri Phương - 3/2 - Lý Thái Tổ:
Cầu vượt tại nút giao ngã sáu Nguyễn Tri Phương - 3/2 – Lý Thái Tổ (quận 10) được xây dựng trên đường 3/2, có tổng vốn đầu tư gần 319 tỷ đồng.
Cầu dài gần 390m, rộng 9,5m, gồm 2 làn xe cho xe máy, ô tô dưới 9 chỗ và xe buýt lưu thông. Từ khi đi vào hoạt động, cây cầu góp phần đáng kể trong việc giải tỏa áp lực giao thông tại khu vực.
4. Cầu vượt Hàng Xanh:
Cầu vượt Hành Xanh (quận Bình Thạnh) được đưa vào sử dụng ngày 27/1/2013. Cầu nằm cùng với trục đường Điện Biên Phủ, dài 390m, rộng 16m.
Cầu được thiết kế 2 chiều, với 4 làn xe lưu thông và chỉ dành cho xe buýt, xe con, xe máy. Vốn đầu tư xây dựng cầu khoảng 188,5 tỷ đồng.
Từ khi thông xe, cầu đã giúp giảm đi một phần tình trạng tắc nghẽn tại ngã tư Hàng Xanh do lưu lượng xe cộ lớn từ đường Điện Biên Phủ và Xô Viết – Nghệ Tĩnh đổ vào trong giờ cao điểm.
5. Cầu vượt vòng xoay Lăng Cha Cả:
Cầu vượt vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình) được khởi công vào ngày 5/2/2013 và chính thức hoàn thành vào sáng 27/4/2013, sớm hơn 45 ngày so với dự kiến ban đầu.
Cầu dài hơn 224m, gồm 8 nhịp dầm thép, rộng 6,5m, vận tốc thiết kế 40km/h, do khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư với nguồn vốn 122 tỷ đồng. Cầu được xây dựng nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ Tây Bắc thành phố.