Ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1986, Bệnh viện 108 đã đưa kỹ thuật kéo dài chân vào điều trị cho thương bệnh binh bị mất xương, trẻ bị dị tật bẩm sinh như sai khớp háng, chân thấp chân cao. Kỹ thuật này cũng phổ biến ở rất nhiều bệnh viện khác, với hàng nghìn bệnh nhân được điều trị thành công vào những năm 1990-1995.
Kỷ lục thành công kéo dài chân cho người dị tật ở Bệnh viện 108 là 24 cm, bằng kỹ thuật cân bằng hai chi dưới. Đó là trường hợp một cô gái làm thợ may ở Hà Nội, rất xinh nhưng một chân chỉ ngắn đến đầu gối của chân còn lại. Sau phẫu thuật, việc đi lại của bệnh nhân này hoàn toàn bình thường.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Bình, người đầu tiên thực hiện các ca phẫu thuật kéo dài chân ở khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện quân đội 108 cho hay, về nguyên lý thì xương kéo dài thoải mái, bao nhiêu cũng được và chuyện kéo dài chân cũng không có gì quá to tát nhưng luôn tiềm ẩn nguy hiểm.
Không nhất thiết phải kéo dài chân mới là đẹp.
Tuy nhiên, xương kéo dài bao nhiêu còn tùy thuộc vào chỉ số của bệnh nhân. Ví dụ một người chỉ cao có 1m40 thôi mà đòi hỏi kéo dài 15 cm, thì sẽ mất cân đối, lưng và tay ngắn, chân quá dài sẽ như đi cà kheo.
Phẫu thuật kéo dài chân là gì ?
Đó là phẫu thuật kéo dài cẳng chân hoặc đùi. Người ta tiến hành cắt xương và gắn vào một bộ dụng cụ có thể làm tăng độ dài xương. Khi xương được kéo giãn ra với tốc độ chậm phù hợp, người ta nhận thấy có sự tái tạo xương mới lấp đầy vào khoảng trống đó. Các tế bào gân cơ, mạch máu,và thần kinh cũng tân tạo tương xứng.
Cách kéo dài xương ít tốn kém và thông dụng là dùng khung cố định ngoài dạng vòng, dạng thẳng. Cách đắt tiền là đinh nội tuỷ có chốt 2 nòng điều khiển điện tử. Gần đây, người ta còn phối hợp vừa đinh nội tuỷ vừa khung cố định ngoài. Chi phí khoảng vài chục triệu đồng.
Chi phí mỗi ca kéo dài chân dao động từ 15-40 triệu đồng tùy theo bệnh viện.
Biến chứng có thể gặp?
Bác sĩ Bình cho biết thêm, công việc chăm sóc chân sau mổ cũng rất khó khăn. Có những biến chứng dễ gặp như nhiễm khuẩn chân đinh; quên không kéo sẽ gây liền lại; kéo nhanh quá làm cho xương không vững; va đập ngã bị gẫy xương khi đang trong quá trình kéo giãn; biến dạng các khớp lân cận do kéo căng mà bệnh nhân không tập được. Mỗi biến chứng gặp phải các bác sĩ sẽ phải tìm những cách khác nhau để khắc phục.
Quá trình kéo dài chân trải qua 6 giai đoạn:
Đầu tiên, người bệnh được đặt một hệ thống dụng cụ ở xung quanh chi, một số cây kim xuyên qua xương nhằm cố định các đoạn xương kéo dài.
Sau đó, phần xương cần kéo dài sẽ được cắt rời ra, đây là giai đoạn rất quan trọng và rất khó, làm sao để người bệnh tổn thương mạch máu nuôi xương ít nhất.
Giai đoạn làm lành vết mổ
Giai đoạn 4 sẽ tiến hành căng dãn kéo chi dài, mỗi ngày người bệnh được kéo dài 1 mm, chia làm 4 lần mỗi lần 1/4 mm, việc kéo dài 1 cm được tiến hành làm trong 10 ngày.
Tiếp đó là giai đoạn 5- hóa xương: Sau khi xương được căng giữa các khoảng mặt gãy sẽ có các mô non bao gồm các liên kết non (các mô này sẽ biến thành mô sụn hoặc mô xương tùy theo độ căng giãn) và thời gian để các mô này hóa xương tùy thuộc vào tổng trạng.
Nhiều trường hợp cơ thể bị mất cân đối do chân kéo quá dài trong khi tay và lưng lại ngắn.
Sau khi đã lành hẳn, cầu xương tốt thì có thể lấy thiết bị kéo chi ra, công đoạn này cần được thực hiện cẩn thận vì các vùng xương được kéo dãn dễ bị biến chứng như gãy hoặc lệch.
Với kỹ thuật này, chiều dài đùi có thể tăng 7-10 cm, cẳng chân tăng 5-7 cm. Khi đạt đến ngưỡng tới hạn, cơ thể sẽ tự báo động bằng các cơn đau khiến người bệnh không thể chịu nổi cho dù sử dụng thuốc giảm đau. Nếu vẫn muốn kéo dài thêm thì biến chứng sẽ xuất hiện.
Những khó chịu trong quá trình kéo dài chân?
Biến chứng nặng nhất có thể gây tử vong do quá trình phẫu thuật không đạt tiêu chuẩn. Đau nhức vết thương sau mổ, đau nhức một số chân đinh khi căng giãn xương, chứng rạn xương, dễ gãy chân. Đau nhức khi đi nhiều trong quá trình xương chưa lấp đầy; tê bàn chân khi căng quá nhanh; bộ khung gây vướng víu trong sinh hoạt nhất là tắm rửa.
Theo Eva.vn