Mặc dù thấy người lạ đến nhưng các con hổ chỉ gầm gừ, rồi nằm lười ra sàn chứ không chồm lên song sắt. Những con hổ này là tang vật của một vụ án chưa từng có từ trước đến nay tại tỉnh Nghệ An.
Trước đó, sáng 4/8/2021, Công an tỉnh Nghệ An đã kiểm tra đột xuất, phát hiện nhiều cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành.
Cụ thể: Tại cơ sở của Nguyễn Văn Hiền (SN 1982) và Hồ Thị Thanh (SN 1990) xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, lực lượng công an bắt quả tang chủ cơ sở này đang nuôi nhốt 14 cá thể hổ Đông Dương trưởng thành.
Cùng thời gian trên, lực lượng công an cũng bắt quả tang tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Định (SN 1971) xóm Phú Xuân, xã Đô Thành, Yên Thành đang nuôi nhốt 3 cá thể hổ Đông Dương.
Tổng số có 17 cá thể hổ trưởng thành bị phát hiện, bắt giữ. Cùng ngày, số hổ nói trên đã được vận chuyển tới Khu sinh thái Mường Thanh tại Diễn Lâm (huyện Diễn Châu, Nghệ An) gửi chăm sóc, phục vụ công tác điều tra. Sau đó 8/17 con hổ đã chết.
Theo lời khai các đối tượng, để tránh không bị lực lượng chức năng phát hiện, các cá thể hổ được vận chuyển bí mật từ Lào về Việt Nam khi còn nhỏ. Chủ cơ sở đã xây dựng các hệ thống tầng hầm kín ngay trong khuôn viên, trung bình mỗi hầm có diện tích từ 80m2 đến 120m2 để nuôi nhốt. Tại thời điểm bắt giữ, mỗi cá thể hổ có trọng lượng từ 200kg đến 265kg.
Theo một cán bộ chăm sóc, thời điểm mới về đây, những cá thể hổ này mới sinh nên rất yếu, có biểu hiện tiêu chảy, mắc bệnh đường ruột. Bộ phận chuyên môn của Khu sinh thái Mường Thanh tại Diễn Lâm đã dành những điều kiện tốt nhất để chăm sóc, nuôi dưỡng chúng. Không bao lâu sau, chúng dần thích nghi với môi trường mới, hồi phục sức khỏe và bắt đầu vận động.
Hơn một tháng sau, hổ dần tăng cân. Tiếp đó, nhân viên cho chúng làm quen với thịt bò bằng cách lấy nước luộc thịt bò pha với sữa. Khi con vật quen với mùi vị thì chuyển sang cho ăn bò tái, sống.
Hiện những c“chúa sơn lâm” này đã hoàn toàn ăn thịt. Mỗi ngày chúng được ăn hai lần vào bữa sáng và chiều. Khẩu phần có thể thay đổi bằng thịt gà hoặc bò. Hơn một giờ sau khi hổ ăn, nhân viên sẽ đến dọn vệ sinh chuồng, chuồng cũng được vệ sinh sạch sẽ 2 lần mỗi ngày.
“Điều đáng tiếc là chúng vẫn thuộc quản lý của Ngành kiểm lâm Nghệ An nên không thể thả ra. Trong 5 tháng nay, chúng đều ở trong chuồng nên khả năng vận động không có”, một người chăm sóc nói.
Bình quân mỗi ngày chi phí thức ăn, thuốc men, công chăm sóc cho 9 con hổ này khoảng 20 triệu đồng. Về kinh phí nuôi và chăm sóc, hiện phía vườn thú đang tạm bỏ ra chi trả trước.
Qua quan sát của phóng viên, khu vực nuôi nhốt hổ được kiểm soát nghiêm ngặt. Sức khỏe 9 con hổ hoàn toàn bình thường.
Liên quan đến vụ 17 con hổ được giải cứu, Đại tá Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Việc nuôi hổ trái phép là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng. Đây là chuyên án bắt giữ hổ nuôi trái phép lớn nhất từ trước đến nay ở Nghệ An”.
Theo ông Hải, những con hổ được xem là vật chứng của vụ án và buộc phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp giao vật chứng cho chủ nhà chăm sóc thì dễ bị tiêu hủy hoặc thay đổi vật chứng. Do vậy, việc đưa hổ nuôi nhốt trái phép điều kiện ẩm thấp, chật hẹp sang điều kiện mới tốt hơn là một trong những giải pháp nhân văn trong thời điểm hiện nay.
Đồng thời, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng cho biết, việc tìm một nơi chăm sóc, bảo tồn, nuôi dưỡng hổ hiện hết sức khó khăn. UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này, tuy nhiên thời điểm này vẫn chưa có biện pháp khả thi nên vẫn đề nghị Khu sinh thái Mường Thanh tại Diễn Lâm chăm sóc.