Rheinmetall đã trưng bày biến thể KF41 của xe chiến đấu bộ binh Lynx (Linh miêu) của mình tại triển lãm Hàng không & Phòng thủ Biển Đen 2024, đánh dấu một bước tiến đáng kể trong chiến tranh cơ giới hóa hiện đại, trang Army Recognition đưa tin hôm 23/5.
Lynx KF41, được mô tả là một nền tảng tương lai cho các hoạt động quân sự phức tạp và khó lường, là hiện thân của một khái niệm phương tiện hoàn toàn mới, phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của chiến trường thế kỷ 21.
KF41 là xe chiến đấu bộ binh (IFV) thuộc dòng xe bọc thép Lynx được thiết kế, phát triển và sản xuất bởi Tập đoàn Rheinmetall Defense của Đức. Được giới thiệu lần đầu tiên tại Triển lãm Quốc phòng và An ninh Eurosatory 2018, KF41 là phiên bản lớn hơn và mạnh mẽ hơn của Lynx KF31.
Biến thể mới có chiều dài 7,7 m, được trang bị động cơ mạnh hơn để nâng cao khả năng chiến đấu, và nặng hơn KF31 10 tấn. Gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Đức đã áp dụng các nguyên tắc thiết kế module cho chú “Linh miêu” mới nhất của mình.
“Linh miêu” KF41 có khả năng thực hiện nhiều vai trò quân sự khác nhau. Thiết kế module cho phép Lynx thay đổi vai trò của nó từ một phương tiện chiến đấu bộ binh thành một sở chỉ huy trong vài giờ chỉ với sự hỗ trợ của các phương tiện bảo trì dã chiến.
Tương tự, nó có thể biến thành phương tiện trinh sát hay cứu thương, thông qua việc tháo lắp và thêm bớt các module dành riêng cho nhiệm vụ trên một khung gầm chung. Đặc điểm này đảm bảo tính linh hoạt cho “Linh miêu” trong các tình huống chiến đấu khác nhau và đơn giản hóa việc bảo trì.
Thiết kế của Lynx KF41 ưu tiên bảo vệ tổ lái và hiệu quả hoạt động. Nó được trang bị tháp pháo Lance 2.0 tiên tiến, có pháo Wotan 35 mm và nhiều nhóm nhiệm vụ có thể cấu hình khác nhau để có thể chứa các loại vũ khí như tên lửa dẫn đường chống tăng Rafael Spike LR2 hoặc đạn không theo đường ngắm thẳng (NLOS).
Lớp giáp của chiếc IFV Đức bảo vệ toàn diện cho kíp lái trước các vũ khí chống tăng, thiết bị nổ tự chế (IED) và các mối đe dọa từ pháo binh, với các cải tiến tùy chọn cho hệ thống bảo vệ chủ động để chống lại súng phóng lựu (RPG) và tên lửa.
Khoang chứa của Lynx KF41 được thiết kế để chứa một kíp lái gồm 3 thành viên cộng với tối đa 9 binh sĩ, tất cả đều được bảo vệ bởi các hệ thống nhận thức tình huống tiên tiến, bao gồm cảm biến quang điện và hệ thống quản lý chiến đấu.
Về khả năng di chuyển, KF41 được trang bị động cơ Liebherr 850 kW kết hợp với hộp số Renk, mang lại khả năng di chuyển cao trên nhiều địa hình khác nhau với tốc độ đường tối đa 70 km/h và phạm vi hoạt động 500 km.
Hệ thống treo của IFV này được thiết kế để hỗ trợ trọng lượng và bộ nhiệm vụ của xe mà không ảnh hưởng đến hiệu suất. Ngoài ra, thiết kế của Lynx được giảm thiểu cảm biến hồng ngoại để cải thiện khả năng sống sót của phương tiện trong các tình huống chiến đấu.
Một số quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến Lynx KF41, trong đó Hungary đặt mua 218 chiếc và các quốc gia khác đang xem xét mua “Linh miêu” để hiện đại hóa lực lượng thiết giáp của họ.
Rheinmetall đã cung cấp Lynx cho Cộng hòa Séc để thay thế BVP-2 cũ, một loại IFV bọc thép bánh xích BMP-2 của Nga được sản xuất theo giấy phép tại Cộng hòa Séc.
Công ty Đức cũng phối hợp với Tập đoàn RTX (Raytheon) của Mỹ nhằm giúp KF41 đáp ứng yêu cầu của Quân đội Mỹ về NGCV (Phương tiện chiến đấu thế hệ tiếp theo-Phương tiện chiến đấu có người lái tùy chọn), một chương trình thay thế xe chiến đấu bộ binh bọc thép bánh xích Bradley IFV.
Tháng 2 năm ngoái, Hy Lạp đã phê duyệt việc mua 205 Lynx KF41. Tháng 12 năm ngoái, CEO của Rheinmetall Defense đã công bố kế hoạch sản xuất Lynx KF41 tại Ukraine.
Khả năng thích ứng, vũ khí tiên tiến và hệ thống bảo vệ của nền tảng này đã giúp “Linh miêu” trở thành một đối thủ nặng ký trên thị trường quốc phòng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của quân đội hiện đại về các phương tiện chiến đấu linh hoạt.
Tóm lại, theo Army Recognition, Lynx KF41 của Rheinmetall không chỉ thể hiện sự tiến bộ trong công nghệ về phương tiện chiến đấu mà còn nêu bật vai trò của gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Đức với tư cách là công ty dẫn đầu châu Âu trong các giải pháp cho lực lượng bộ binh.
Minh Đức (Theo Army Recognition, CZ Defence)