Trên diện tích đất lúa kém hiệu quả, người dân thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn cải tạo đất để trồng cây tỏi tía thay thế.
Thấy được hiệu quả từ cây tỏi tía, những năm gần đây, người dân đã đầu tư mở rộng diện tích, biến cây tỏi tía trở thành loại cây phát triển kinh tế chủ lực của địa phương.
Cũng như nhiều người dân khác, gia đình bà Trần Thị Bích, thôn Cồn Nâm, đã trồng tỏi từ nhiều năm nay. Theo kinh nghiệm mà bà Bích đúc rút được, so với trồng lúa, lạc thì trồng tỏi cho nguồn thu cao nhất.
Vụ Đông - Xuân 2019-2020, thị xã Ba Đồn đã triển khai thực hiện mô hình trồng tỏi tía tại 3 xã: Quảng Minh, Quảng Lộc, Quảng Hòa với tổng diện tích hơn 43ha với trên 400 hộ dân tham gia.
Các hộ dân tham gia trồng tỏi đều thực hiện nghiêm quy trình trồng tỏi an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng, bảo đảm cho cây tỏi đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Ông Nguyên Văn Toàn, trưởng thôn Cồn Nâm cho hay: “Người dân Cồn Nâm ở đây chủ yếu thu nhập từ trồng tỏi, mỗi vụ một gia đình thu nhập từ 30 đến 35 triệu đồng".
Ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn ho biết, địa bàn có nhiều xã có diện tích đất cồn bãi lớn, hiện tại có hơn 40ha, sắp tới khả năng có thể phát triển diện tích trồng tỏi lên 80 – 90ha. Địa phương sẽ nhân rộng mô hình và diện tích trồng tỏi để phát triển kinh tế ở các vùng khó khăn”.
Tuy nhiên, để cây tỏi tía có đầu ra ổn định cần phải có chính sách hỗ trợ đầu tư đối với chuỗi sản phẩm tỏi, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu tỏi tía Ba Đồn trở thành hàng hóa trên thị trường.