Theo ghi nhận của phóng viên báo Người Đưa Tin vào sáng 5/11, tại vị trí suối Đồng Bãi (thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) - nơi tiếp giáp cửa xả nước thải của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã xuất hiện những lớp chất thải đặc quánh, có màu đen kịt (nghi là dầu) chồng chất lên nhau. Mặc dù lớp chất thải này đã không còn mùi khét nhưng vẫn đen ngòm và rất dính tay. Khi hòa tan trong nước, chất thải loang rộng và khiến nước suối đổi màu.
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất cho biết: "Ngay sau khi xảy ra vụ việc Nhà máy nước sạch sông Đà xả khối lượng lớn nước thải trong quá trình sục, rửa bể trung gian trực tiếp ra suối Đồng Bãi trên địa bàn, chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường, phối hợp với cơ quan công an lập biên bản vụ việc. Sau đó, cơ quan chức năng đã lấy mẫu thử tại đây đem đi xét nghiệm, hiện chúng tôi đang chờ kết quả xét nghiệm để có phương án xử lý".
Cũng theo bà Thu, thời điểm ban đầu khi nhà máy xả nước thải, nguồn nước có màu đen kịt, lượng dầu đọng ở đáy suối khá nhiều. Sau đó, nguồn nước bắt đầu chuyển sang màu hơi hồng và dần trong trở lại.
Theo những hộ dân sinh sống tại thôn Dục, xã Yên Bình, Thạch Thất cho biết, do người dân ở đây gần như không sử dụng nguồn nước này (chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp) và dòng suối cách khá xa khu dân cư nên mọi người không biết rõ về vụ xả nước thải trên.
Theo báo cáo của sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã xả lượng nước sau khi súc rửa đã được thẳng ra suối Đồng Bãi, thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Tổng khối lượng nước súc rửa xả ra môi trường riêng trong ngày 21/10/2019 được ghi nhận vào khoảng 2.500-3.000m3.
Theo Viwasupco, 2 bể trên chứa nước sạch chảy tự nhiên từ Nhà máy nước sạch sông Đà cấp nước cho khách hàng và dẫn chảy tự nhiên đến Trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) để cấp nước cho các đơn vị sử dụng (bể chứa không có hệ thống châm bổ sung Clo).
Ngày 18/10, sau khi có kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng nước, công ty nước sạch sông Đà đã cho xả kiệt bể số 2 và súc rửa cả 2 bể trung gian. Việc súc rửa không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng công nhân cọ rửa cơ học.
Theo sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trước và trong quá trình súc rửa bể chứa nước trung gian, Viwasupco không thông báo đến nhân dân, chính quyền địa phương. Công ty cũng không xuất trình được quy trình súc rửa và xả thải nước súc rửa ra môi trường.
Viwasupco chưa xuất trình được Hồ sơ thiết kế bể chứa trung gian, hồ sơ về công tác chấp hành các quy định của pháp luật Bảo vệ môi trường và giấy phép xả thải. Công ty này cũng không thực hiện phân tích chất lượng nước súc xả vệ sinh bể chứa trung gian trước khi xả ra môi trường (vì nước dẫn vào bể trung gian là nước sạch).
Xét báo cáo của sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 1/11, UBND TP. Hà Nội có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, vận hành của bể chứa trung gian theo đúng quy định, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu Công ty nước sạch sông Đà trước khi xả thải phải có thông báo gửi chính quyền địa phương biết và giám sát, tránh gây hoang mang cho dư luận, nhân dân trong khu vực. Chất lượng nước xả thải phải đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép. UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị công ty này nghiên cứu, thay đổi phương án xả thải; không xả thải ra suối Đồng Bãi.
Căn cứ kết quả phân tích các mẫu nước xả thải tại phòng thí nghiệm, nếu các thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn, UBND TP. hà Nội giao UBND huyện Thạch Thất lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định.
Nguyễn Lâm