Hồ Baikal, còn được biết tới với cái tên Biển Hồ thiêng, nằm ở phía Nam Siberia, thuộc Nga. Xét về lượng nước ngọt, nó còn nhiều hơn cả 5 hồ nước của Ngũ Đại Hồ cộng lại. Xét về diện tích bề mặt, Baikal lớn thứ 7 thế giới. Với độ sâu lên tới 1.642 m, hồ Baikal còn là hồ nước ngọt sâu nhất thế giới.
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được số tuổi của hồ Baikal. Đa số giả thuyết cho rằng độ tuổi của hồ nước này vào khoảng 25-30 triệu năm. Nếu đúng với giả thuyết thì đây cũng chính là hồ lâu đời nhất trong số các hồ nước cổ xưa.
Phía đông của hồ là nơi sinh sống của người dân bộ lạc Buryat. Người dân sống nhờ việc chăn thả dê, bò, lạc đà và cừu. Đây cũng là nơi có môi trường sống khắc nghiệt khi nhiệt độ trung bình mùa đông khoảng -19 độ C và mùa hè khoảng 14 độ C.
Vào mùa đông, nước hồ rất trong. Thậm chí ở những khu vực mở, độ trong của hồ có thể nhìn được độ sâu 30 - 40 m.
Trước thế kỷ 17, hồ có tên là “Lamu”, trong ngôn ngữ Evenk có nghĩa là “Biển”. Sau đó, người Buryat gọi nơi này là “Baigal”. Tuy nhiên, để tên gọi này nghe có vẻ thuận tai hơn trong cách nói của người Nga thì chữ "g" trong từ "Baigal" được đổi thành chữ "k". Cái tên Baikal theo ý nghĩa và âm tiết của tiếng Arab còn có nghĩa là “Biển hồ vô vàn giọt nước mắt”.
Điểm độc đáo mà chỉ có hồ Baikal đang sở hữu chính là khả năng phát triển, mở rộng "thần kỳ" của nó. Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi năm, hồ Baikal “lớn thêm” khoảng 2cm, hiện nó đã mở ra 336 nhánh tất cả.
Trữ lượng nước ngọt ở đây tương đương 20% lượng nước ngọt chưa đóng băng trên thế giới và 90% nếu chỉ tính ở riêng Nga. Trong trường hợp tất cả nguồn nước ngọt khác trên Trái đất cạn kiệt, nước ở hồ Baikal cũng đủ cho cả nhân loại dùng trong vòng 40 năm.
Hiện hồ Baikal là nơi sinh sống của hàng ngàn loài động thực vật, nhiều trong số đó không thể tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Một số loài động vật quý hiếm nổi tiếng gồm loài hải cẩu có tên gọi nerpa Baikal, loài cá Golomianka độc đáo với thân mình trong suốt và không đẻ trứng như cá thông thường mà đẻ ra cá con. Chính vì vậy, hồ Baikal đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1996.
Quốc Tiệp (t/h)