Kênh thủy lợi không phát huy hiệu quả
Tuyến kênh thủy lợi Đ3 (tại xã Krông Búk, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) thuộc công trình Hồ chứa nước Krông Búk hạ, có vốn đầu tư khoảng 14 tỷ đồng, đi qua địa bàn 2 buôn Kla và Krai A, phía cuối kênh là cánh đồng thôn 9 (xã Krông Búk), gây ảnh hưởng phải đền bù, di dời 42 hộ dân. Công trình này có chiều dài hơn 1,4km, được khởi công vào ngày 11/9/2013 nhằm phục vụ tưới cho 65ha cà phê và hơn 17ha lúa nước hai vụ tại buôn Kla, buôn Krai A, thôn 9 (xã Krông Búk).
Tuy nhiên, vào ngày 27/9/2013, Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (thuộc Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị UBND huyện Krông Pắk tạm dừng đầu tư thi công tuyến kênh Đ3. Vì lý do do tuyến kênh này đi theo địa hình phức tạp và đi qua các diện tích đất cà phê đang canh tác nên vốn đầu tư rất cao, không hiệu quả, muốn tưới được phải dùng máy bơm.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 cho rằng cần ưu tiên vốn bố trí đầu tư các tuyến thi công kênh có suất đầu tư thấp, các tuyến kênh có diện tích tưới lớn, thuận lợi trong thi công và phát huy hiệu quả ngay.
Thế nhưng, sau đó, kênh thủy lợi Đ3 vẫn tiếp tục được triển khai thi công, hoàn thành đưa vào phục vụ tưới ngày 30/12/2015, nhưng không phát huy được hiệu quả như ban đầu thiết kế.
Theo báo cáo số 11/BC-UBND ngày 19/2/2021, UBND xã Krông Búk, sau khi tuyến kênh Đ3 hoàn thành đưa vào sử dụng, chỉ có 2-3 hộ dân của hai buôn Kla và Krai A sử dụng để tưới hoa màu và một số hộ dân thôn 9 sử dụng để tưới lúa, lúc này nước chảy về yếu không đủ để phục vụ công tác tưới.
Vì vậy, ngày 4/5/2015, UBND xã lập tờ trình đề nghị xây dựng cụm điều tiết nước tại đầu tuyến kênh Đ3. Sau khi xây dựng cụm điều tiết nước, vào mùa vụ năm 2015-2016, nhân dân thôn 9 vẫn sử dụng nước tại kênh Đ3 để tưới cho 17,08ha ở phía cuối cánh đồng thôn 9.
Tuy nhiên, do kênh sâu, đường xuống hố bơm nước tại kênh khó khăn, chỉ sử dụng được máy bơm điện để hút nước. Vì vậy, từ năm 2016, các hộ dân buôn Kla, buôn Krai A không sử dụng kênh Đ3 để tưới.
Cũng theo báo cáo của UBND xã, trong các năm 2017, 2018, do thiên tai mưa bão lớn, lượng nước dọc kênh Quốc lộ 26 đổ về kênh Đ3 đã gây sạt lở cục bộ một số vị trí, gây tắc dòng chảy.
Để gia cố các vị trí sạt lở trên, năm 2019, UBND huyện Krông Pắk có chủ trương đầu tư sửa chữa công trình nói trên do UBND xã Krông Búk làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 850 triệu đồng. Theo đó, một số vị trí bị sạt lở được cơ quan chức năng khắc phục sửa chữa, gia cố bằng rọ đá, mái bậc thang. Tuy nhiên, đến nay rọ đá này cũng đã bị tuột xuống lòng kênh và không phát huy được hiệu quả chống sạt lở.
Tại báo cáo số 121 ngày 1/4/2021, UBND huyện Krông Pắk cho biết, tuyến kênh Đ3 bị sạt lở, bồi lấp, tắc nghẽn từ đầu năm 2018 đến nay, nước không thể chảy được.... Hiện tại, người dân tại buôn Kla, buôn Krai A và thông 9 không thể sử dụng nước tại tuyến kênh Đ3 để tưới.
Lý giải về nguyên nhân khiến tuyến kênh Đ3 đã được gia cố nhưng vẫn bị sụt, lún, UBND xã Krông Búk cho hay, do nguồn vốn có hạn nên mới chỉ gia cố phần mái kênh sạt lở, chưa có giải pháp công trình nắn dòng và gom nước từ khu vực dọc theo Quốc lộ 26 đổ về các vị trí sạt lở. Qua hai mùa mưa, đặc biệt năm 2022 mùa mưa kéo dài, lượng nước đổ về những vị trí xung yếu vừa gia cố làm cho các vị trí gia cố mái có hiện tượng sụt lún. Bên cạnh đó, do khi dòng chảy tập trung lâu ngày vào vị trí kè nhưng không có người xử lý vớt rác làm tắc ống thoát nước dẫn đến nước tràn lên thân kè làm cho kè bị sụt lún.
Người dân lo lắng về nguy cơ mất an toàn
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, sau nhiều năm bị bỏ hoang, đến nay dọc kênh thủy lợi Đ3 cỏ dại, cây cối mọc um tùm, nhiều vị trí lòng kênh đã bị che khuất.
Kênh Đ3 được thiết kế hình hộp nằm dưới nước thấp hơn mặt ruộng nhưng đến nay, tại khu vực cuối kênh Đ3 đã bị bùn, đất che lấp hoàn toàn. Thực trạng này khiến cho người dân không thể lấy nước vào ruộng.
Đáng nói, tình trạng sạt lở tại kênh thủy lợi Đ3 khiến cho người dân trên địa bàn xã Krông Búk không khỏi lo lắng về những nguy cơ gây mất an toàn đến người và tài sản của nhân dân.
Ông Y Grik Mlô – Bí thư Chi bộ buôn Kla (xã Krông Búk) cho biết, tình trạng sạt lở tại kênh thủy lợi Đ3 trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nơi đây. “Vào mỗi mùa mưa hàng năm, dọc tuyến kênh thủy lợi Đ3 thường xuyên bị sạt lở. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiến hành tu sửa, gia cố các vị trí bị sạt lở trên tuyến kênh này nhưng sau một thời gian lại tiếp tục sạt lở trở lại. Có nhiều vị trí sạt lở lấn vào phần đất nông nghiệp của một số hộ dân” – ông Y Grik nói.
Trước tình hình trên, ông Y Grik cho biết, tại các cuộc họp thôn, buôn, tiếp xúc cử tri, người dân trên địa bàn đã nhiều lần ý kiến, đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết tình trạng sạt lở tại tuyến kênh Đ3. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
Còn theo bà H’Uất Niê (trú tại buôn Kla, sinh sống ngay bên cạnh kênh Đ3), nếu như tình trạng sạt lở kênh Đ3 không được xử lý kịp thời thì trong các mùa mưa lũ sắp tới sẽ gây ra nguy cơ sạt lở nhà dân. Đồng thời, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến tính mạng của nhân dân nơi đây.
“Tuyến kênh Đ3 được đào, múc quá sâu, rộng, nhiều vị trí sâu hàng chục mét nên tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho bà con nhân dân, đặc biệt là người già và trẻ em. Đã có trường hợp, trẻ trong lúc chơi đùa bị té ngã xuống kênh dẫn đến gãy tay, gãy chân. Chính vì vậy, người dân chúng tôi mong muốn các ngành chức năng nhanh chóng khắc phục, sửa chữa tuyến kênh Đ3 để phục vụ nhu cầu sản xuất. Đồng thời, đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng của nhân dân trên địa bàn” – chị H’Uất nói.
Tại khu vực đoạn cuối kênh thủy lợi Đ3, bà Trang (trú tại thôn 9, xã Krông Búk) chia sẻ, do mặt kênh Đ3 sâu hơn mặt ruộng nên không tưới nước được cho cánh đồng thôn 9. Vào mùa khô, nhiều người dân phải sử dụng máy bơm để bơm nước từ kênh Đ3 vào ruộng nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, không phải hộ dân nào cũng có điều kiện để bơm nước từ dưới kênh lên ruộng. Bởi chi phí dùng điện cao và không phải gia đình nào cũng thuận lợi đường điện để bơm nước.
Ông Nguyễn Tiến Văn – Phó Chủ tịch UBND xã Krông Búk thông tin, thời gian qua, tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân trên địa bàn đã nhiều lần phản ánh về những bất cập tại công trình kênh thủy lợi Đ3. Chính quyền địa phương cũng đã báo cáo, kiến nghị cấp trên xem xét, có hướng xử lý phù hợp để tiếp tục hoạt động kênh Đ3 nhằm tạo nguồn nước tưới cho cánh đồng lúa và đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn.
Để đảm bảo kè chống trượt và sạt lở lâu dài, UBND xã Krông Búk cho rằng, cần có kinh phí đầu tư hệ thống mương bằng bê tông cốt thép kiên cố gom nước mặt các vị trí đổ về kênh để tránh trường hợp sạt lở mở rộng những vị trí đã kè rọ đá và các đoạn tiếp theo.
Thanh tra tỉnh yêu cầu kiểm tra, xác định nguyên nhân sụt, trượt
Tại kết luận thanh tra số 19 ngày 30/8/2023, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk chỉ rõ, hạng mục gia cố mái bờ kênh Đ3 bằng rọ đá xếp bậc thang kích thước rọ đá 2x1x0,5m đã lún, sụt, trượt xuống đáy lòng kênh so với mặt đất tự nhiên 4,0m và không phát huy được hiệu quả chống sạt lở. Do đó, Thanh tra tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiểm tra, xác định nguyên nhân sụt, trượt mái bờ kênh rọ đá.
Khánh Ngọc