Một bên là Việt Nam, một bên là Trung Quốc, dòng sông Ka Long hiền hòa, thơ mộng giống như ranh giới tự nhiên chia đôi lãnh thổ giữa TP.Móng Cái (Quảng Ninh) với thị xã Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Đây cũng chính là một trong những con đường vận chuyển hàng hóa chủ yếu trong các hoạt động thông thương buôn bán giữa hai nước với sự tham gia tích cực của một lực lượng cửu vạn vô cùng đông đảo.
Nay no mai đói
Bởi nổi tiếng là vùng đất buôn bán dễ làm ăn cho nên số lượng lao động tập trung về TP.Móng Cái làm cửu vạn nhiều vô kể. Trong đó, phần lớn lao động đến từ các tỉnh vùng núi và trung du phía bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên…
Vào thời điểm hoạt động xuất nhập khẩu phát triển mạnh, cánh cửu vạn thường phải vắt kiệt sức mình ngoài cảng với những chuyến hàng liên tục cập bến bất kể thời gian. Mặc dù đã bố trí thay nhau làm việc theo lịch nhưng vì khối lượng công việc quá lớn, thời gian nghỉ ngơi của mỗi người đều bị rút ngắn hết mức có thể.
Mặt khác, vì không phải lúc nào cũng có việc để làm nên dù có mệt đến mấy, họ cũng muốn tận dụng tất cả quỹ thời gian, sức lực của mình để tranh thủ cơ hội kiếm tiền. Nhưng thu nhập cao nhất mà một người làm nghề cửu vạn ở đây có thể kiếm được cũng chỉ được từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Anh chàng cửu vạn có biệt danh "chân voi"
Tuy vậy, kinh doanh luôn ẩn chứa những yếu tố không ổn định. Hoạt động kinh doanh, buôn bán ở Móng Cái cũng không nằm ngoài quy luật thăng trầm đó. Nhất là trong thời gian gần đây, khi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ngày càng lan rộng, hoạt động thông thương ở cửa khẩu quốc tế Bắc Luân gần như chững hẳn lại.
Theo những người làm nghề cửu vạn ở đây cho biết thì lượng hàng hóa bây giờ chỉ bằng 1/10 những năm trước. Tuy nhiên, trong vòng một năm cũng có những tháng, lượng hàng hóa bỗng dưng tăng vọt, chủ yếu do bên Trung Quốc xuất sang.
Trong khi đó, khối lượng công việc của những người cửu vạn phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Bởi vậy, họ luôn ở vào thế thụ động, khi làm không hết việc, khi lại chơi dài cả tháng trời không một đồng lương.
Anh Hoàng Văn Cuốn, 30 tuổi, người Tày (Quang Bình, Hà Giang) tâm sự, hai tháng trước thấy việc nhiều, thu nhập cũng khá nên đã nhắn anh trai của mình là Hoàng Văn Ngọn ra làm cùng. Nhưng khi anh Ngọn ra đến nơi lại trúng thời gian rỗi việc. Sau một tháng chơi dài, không có việc gì làm, anh Ngọn lại lóc cóc trở về quê với hai bàn tay trắng, chưa kể tiền phí đi lại, ăn ở.
Nhà tắm trở thành phòng ngủ cho ba người
Cận cảnh “khu ổ chuột”
Đến thăm "đại bản doanh" của một đội cửu vạn ở khu vực bến Lục Lầm (Móng Cái) đúng lúc các anh đang chuẩn bị bữa cơm chiều, tôi bỗng thấy nao lòng trước sự thiếu thốn quá mức tưởng tượng ở nơi này. Dưới 4 cây cọc tre, lợp vài tấm vỏ bao rách, trên 3 viên gạch vỡ được kê lại với nhau làm kiềng là chiếc chảo lớn, đen kịt thả lều bều mấy ngọn rau ám khói thâm xì.
Ngoài sân giếng, một thanh niên tên Tuấn đang cố gắng thái một miếng thịt ba chỉ bằng chiếc dao rựa cùn gỉ. Đằng sau mấy tấm ván thưa hoác quây tạm vào nhau tạo thành những ô nhỏ, dưới nền trải mấy tấm chiếu rách, những người còn lại đang tranh thủ phút nghỉ ngơi để chợp mắt hoặc gọi điện thoại.
Họ gọi đó là "phòng ngủ". Một cái nhà tắm cũ rộng chưa đầy 3m2 cũng được tận dụng làm thành một phòng "xịn" đủ chỗ cho 3 người bởi với họ, chỗ ngủ quan trọng hơn chỗ tắm.
Anh Đinh Thanh Tuấn (Tiên Yên, Quảng Ninh), đội trưởng của đội cửu vạn này cho biết, đây là mảnh đất bỏ không anh thuê với giá rẻ rồi bảo anh em tự dựng lều lấy chỗ ở. Vì phần lớn thời gian, mọi người đều phải phơi mặt ngoài cảng với công việc, chẳng có được mấy phút nghỉ ngơi nên cũng chỉ cần một chỗ che mưa che nắng qua ngày. Như vậy, vừa đỡ tốn tiền thuê nhà vừa có thể nới rộng phòng ở khi cần một cách dễ dàng.
Một khi đã chọn nghề cửu vạn làm kế sinh nhai thì phải chấp nhận gian khổ, thiếu thốn, cốt sao kiếm được nhiều tiền gửi về cho vợ con. Với chi phí đắt đỏ ở một thành phố sầm uất chủ yếu là dân buôn bán như Móng Cái, những người làm thuê làm mướn như cửu vạn nếu không hạn chế tối đa việc chi tiêu thì khó có thể để ra được đồng nào.
Ăn ở thiếu thốn là vậy nhưng hàng ngày, họ phải cáng đáng những công việc bốc vác vô cùng nặng nhọc. Theo lời kể của đội trưởng Tuấn, hàng hóa qua cửa khẩu thường được đóng thành các thùng có khối lượng trung bình trên dưới 50kg. Trong số đó, có không ít các thùng hàng nặng ngót nghét cả trăm kg.
Vào thời điểm hàng hóa về nhiều, mỗi ngày, mỗi cửu vạn phải bốc dỡ vài trăm thùng hàng như vậy trên đôi vai của mình từ bến xuống thuyền, từ thuyền lên bến. Chuyện trở về chỗ nghỉ với đôi vai sưng tấy, toàn thân tê nhức sau những giờ làm việc hết công suất đã quá quen thuộc ở các đội cửu vạn.
Người trẻ nhất trong đội là Nguyễn Xuân Luận (sinh năm 1997, quê Yên Sơn, Tuyên Quang). Tuy mới 16 tuổi, thân hình lại nhỏ nhắn, gầy guộc nhưng Luận cũng phải gánh vác khối lượng công việc nặng nhọc không kém những đàn anh trong đội.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Luận đã xin nghỉ học một năm, theo người quen ra Móng Cái làm thuê kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Thời gian đầu chưa quen việc, Luận thường bị cả thùng hàng đè lên người vì chúng quá nặng so với sức chịu đựng của em.
"Nhiều đêm, nỗi nhớ nhà cùng sự mệt mỏi do làm việc quá sức khiến em không cầm được nước mắt, chỉ muốn bỏ về. Nhưng nghĩ đến gia đình, em lại cố gắng trụ lại với khó khăn, gian khổ với hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía trước. Em đang cố gắng tích cóp tiền để năm học tới sẽ về quê học tiếp" - Luận tâm sự,
Bị mắc một căn bệnh lạ, từ nhỏ, anh Hoàng Văn Cuốn đã phải mang một đôi chân to quá khổ. Càng ngày, đôi chân của anh càng trở nên to, mọng và nặng nề hơn, nhìn như hai túi mỡ di động. Mọi người trong đội quen gọi anh là "chân voi". Với đôi "chân voi" nặng nề, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của anh vô cùng bất tiện nhưng do nhà nghèo nên anh chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện đi khám vì sợ tốn kém.
Anh tâm sự bây giờ chỉ mong kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày của hai vợ chồng và hai đứa con chứ không dám mong gì khác. Bởi vậy, theo lời kể của những người cùng làm, tuy lúc nào cũng phải gắn chặt với đôi chân to bè, vướng víu nhưng anh chàng "chân voi" làm việc rất cần mẫn, tốc độ không thua kém người khác là bao.
Việc ít người nhiều Đội trưởng đội cửu vạn Đinh Thanh Tuấn cho biết bình thường, đội của anh có đến gần trăm cửu vạn thay ca nhau làm việc ngày đêm ở cảng Lục Lầm. Nhưng hiện tại, tình hình làm ăn ở Móng Cái cũng như nhiều nơi khác khá khó khăn, việc ít người nhiều, thu nhập thưa thớt nên một số người đã bỏ về quê chờ có việc mới quay lại. Khi tôi đến thì đội cửu vạn của anh chỉ còn khoảng 70 người, ăn ở, sinh hoạt trong các lán trại tồi tàn do họ dựng tạm trên khu đất thuê. Trong số những người làm nghề bốc vác ở đây, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết đều xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, vì miếng cơm manh áo mà phải bán sức ở mảnh đất vùng biên này. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng họ vẫn luôn lạc quan, cố gắng nâng cuộc sống trên đôi vai của mình. |
Dương Dung