Thu nhập đã ít nay lại sụt giảm vì dịch bệnh,
Đặt chân đến đường dẫn vào bãi giữa sông Hồng, chúng tôi khá bất ngờ vì xung quanh bốn bề là sóng nước. Mưa lớn liên tục trong những ngày qua đã khiến mực nước tại sông Hồng dâng cao. Lối đi thường ngày của người dân nay như ngập trong biển nước, theo chân người dân nơi đây, chúng tôi đi đò để sang được bãi giữa.
Đò cập bến, chúng tôi nhìn quanh vẫn không thấy một ngôi nhà nào, vì chúng đã bị che khuất bởi những bụi chuối, bụi cỏ rậm rạp. Nơi được coi là “đảo hoang” ấy chỉ có lưa thưa vài túp lều tranh tạm bợ, rách rưới và liêu xiêu. Trên bãi đất hoang cô lập giữa sông Hồng, dù không điện, không nước sạch nhưng vẫn có gần chục hộ dân cư “bám víu” ở nơi đây suốt 20 năm qua.
Cuộc sống của cư dân nơi đây xa rời hoàn toàn với nhịp sống sôi động, ồn ào ở trên cầu. Những con người đó dường như chẳng bận tâm đến phố thị xa hoa, mà ngày đêm chỉ miệt mài “vật lộn” mưu sinh chống chọi lại “cơn khốn khó” do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Thứ duy nhất để kết nối họ với thế giới bên ngoài có lẽ chính là những chuyến đò dập dềnh trên sông nước.
Sống trong xóm nhỏ này suốt 20 năm qua, ông Nguyễn Văn Thuận (sinh năm 1960) vẫn đang lủi thủi sống một mình với ba chú chó nhỏ trong căn nhà lụp xụp. Nhìn ông Thuận trong quần áo nhem nhuốc, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi và đôi chân lam lũ trần khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Ông trầm ngâm kể, không giống như những cư dân ở nơi đây từ ngoại tỉnh về làm ăn, quê của ông ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.
Vợ ông không may mất sớm để lại hai cô con gái nhỏ, dù “gà trống nuôi con” nhưng người cha luôn gắng sức làm lụng đủ nghề cho các con ăn học tử tế. Trước khi “trú ngụ” tại xóm này, ông đã từng chật vật kiếm sống với nghề cửu vạn, xe ôm,..cho đến khi các con lấy chồng. Dù đã đến cái tuổi cần được nghỉ ngơi, an dưỡng nhưng cuộc sống xô đẩy khiến người đàn ông này vẫn phải “mò mẫm” mưu sinh ở nơi “đảo vắng” này.
Ngày làm việc của ông bắt đầu từ 2 giờ sáng, ông thức dậy sớm nhặt rau mang ra chợ bán. Trước khi có dịch Covid - 19 thu nhập của ông khá ổn định, nhiều hôm bán khá cũng được hơn trăm nghìn một ngày. Dịch Covid-19 khiến cuộc sống của ông Thuận bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ông thở dài ngao ngán: "Trước khi có dịch, ngoài chi phí ăn uống sinh hoạt tôi còn có đồng ra đồng vào, phòng trừ lúc ốm đau. Sau khi có dịch Covid-19, người ta hạn chế đến chỗ đông người nên người mua thì ít, người bán thì nhiều nên nhiều hôm chẳng bán được gì. Trồng được vài quả ổi, quả bưởi cũng rụng đầy dưới gốc, chẳng buồn đem ra chợ bán vì có bán cũng chẳng được mấy đồng...”
Nhìn mâm cơm vỏn vẹn chỉ có vài quả cà, bát nước mắm và nồi cơm nguội, chúng tôi cũng phần nào hiểu được cuộc sống khốn khó của người đàn ông này. Ông cho biết mì tôm, cơm trắng là những món ăn quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, chắt chiu lắm mới dám mua thịt về ăn.
Cuộc sống của người đàn ông này dường như chỉ quẩn quanh bên ruộng vườn và ba chú chó để bầu bạn. Dù có hai đứa con gái nhưng trong chục năm sống tại đây, số lần các con đến thăm ông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi hỏi đến con cái, ông chỉ lắc đầu buồn bã: “Chúng nó bận lắm...”
Trăm bề khốn khó
Ngồi tiếp chúng tôi trong căn nhà lụp xụp, chật hẹp, bà Trần Thị Thu 50 tuổi (Hưng Yên) là người dân sống gần 10 năm tại xóm bãi giữa này cho biết: “ Ở đây mọi người đều là dân tứ xứ, mỗi người một tỉnh nhưng chung hoàn cảnh khó khăn, số phận khổ cực”.
Bà tâm sự, dịch Covid-19 khiến cuộc sống của gia đình bà cơ cực, khốn khó hơn nhiều. Gia đình mấy miệng ăn đều trông chờ vào những đồng tiền buôn bán hoa mầu, nhưng dịch bệnh cứ kéo dài liên miên chẳng bán được gì. Nếu như hồi trước dịch, mỗi ngày đi chợ bà kiếm được khoảng 150.000 đồng, thì nay cố gắng lắm cũng chỉ được tầm 50.000-70.000 đồng.
Bà kể: “Ông nhà tôi mấy năm nay yếu, không làm được gì, còn con trai đi làm ăn xa, vì dịch bệnh nên công việc cũng bấp bênh. Có mỗi đứa con dâu duy nhất, nhưng, vì muốn thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ, tù túng nên nó cũng bỏ đứa con gái bé bỏng mà đi mất. Trong gia đình giờ chỉ còn tôi là trụ cột kinh tế, vừa làm lụng đồng áng, vừa chăm sóc chồng bệnh tật và đứa cháu gái bé bỏng, thơ dại”.
Công việc mỗi ngày của người đàn bà này bắt đầu lúc 1h sáng và kết thúc vào 11h đêm. Cứ tờ mờ sáng bà lại dậy cắt rau để mang ra chợ bán, chiều về chăm bón, tưới tiêu,.. guồng quay mưu sinh cứ thế xoay vần nhưng vẫn thiếu thốn vẫn hoàn thiếu thốn.
Buôn bán ế ẩm, nhưng bà Thu cũng gắng gượng bán cầm chừng để có tiền trang trải cuộc sống. “Hết hạn hán, dịch Covid-19 giờ lại ngập lụt, rau, hoa mầu hỏng hết, sắp tới tôi cũng không biết phải sống làm sao nữa. Dịch như thế này không mong gì nhiều, cứ làm được ngày nào hay ngày ấy chỉ mong đủ tiền ăn qua ngày”, bà than thở
Cứ như thế, cuộc sống của những con người xóm bãi giữa trôi nổi theo dòng nước giống như cuộc đời, số phận của họ vậy. Họ chẳng dám mơ ước gì cao sang, chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi, mang bình yên và một cuộc sống no đủ về nơi bãi giữa sông Hồng .
PHƯƠNG LY - THÁI PHƯƠNG