Năm 2017, các nhà nghiên cứu hết sức kinh ngạc khi bắt được một sinh vật với vẻ ngoài kỳ dị ở độ sâu 600m ngoài khơi Bồ Đào Nha. Con vật dài khoảng 1,5m, mảnh mai, thoạt nhìn, nó giống như một con rắn. Đặc biệt, với bộ hàm gồm 300 chiếc răng nhọn, nhiều người nghĩ rằng đây là một loài cá mập có họ với cá mập trắng.
Trả lời trên kênh truyền hình SIC Noticisas TV, các nhà nghiên cứu khi đó đang thực hiện một dự án của Liên minh châu Âu để hạn chế việc bắt phải những loài không mong muốn trong quá trình đánh bắt thương mại. Trong quá trình nghiên cứu, một con cá có hình dạng kỳ lạ bị mắc vào lưới đánh cá ở vùng nước sâu. Sau này, các chuyên gia xác định được con vật là cá nhám mang xếp. Thông tin trên vừa được tờ Mirror của Anh đăng tải lại vào ngày 4/5.
Cá nhám mang xếp là một loài cá mập hiếm, được xác định tồn tại ở đại dương từ thời khủng long cách đây 80 triệu năm. Chúng được gọi là “hóa thạch sống” vì kể từ khi xuất hiện trên Trái đất, hình dạng gần như không thay đổi.
Bộ hàm khổng lồ và hơn 300 chiếc răng của chúng được sử dụng để bắt mực và các loài cá khác rất hiệu quả. Đây là một trong số rất ít loài động vật cổ đại còn tồn tại ở hiện đại.
Cá nhám mang xếp hiếm khi lộ diện một phần vì chúng sống dưới biển sâu, một phần vì chúng là kẻ săn mồi đáng sợ với những loài cá khác nên luôn phải sống ẩn dật, rình bắt mồi một cách nhanh lẹ.
Cá nhám mang xếp được cho là sống chủ yếu ở Đại Tây Dương, vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, Úc. Các nhà nghiên cứu chưa thể xác định rõ số lượng loài cá này ngoài tự nhiên.
Minh Hoa (t/h)