Dồn lực thi công hầm Phượng Hoàng
Hầm Phượng Hoàng là một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất trên tuyến đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Với chiều dài lên tới 1,7km, hầm Phượng Hoàng là một mốc quan trọng và là hầm dài nhất trên tuyến cao tốc này.
Với chiều dài 1,7km, hầm Phượng Hoàng thuộc Gói thầu XL01 (có tổng chiều dài 11km), Dự án thành phần 2, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột do Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh) thi công.
Theo báo cáo của Ban Điều hành Gói thầu XL01, mặt bằng nhà thầu được bàn giao là 10,7/11 km, đạt 97%. Đến nay, liên danh nhà thầu do Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã huy động 250 nhân sự, 160 xe máy thiết bị, triển khai 12 mũi thi công bao gồm 2 mũi thi công hầm Phượng Hoàng, 5 mũi thi công đường và 5 mũi thi công cầu, đường.
Sau hơn một tháng thi công, hầm Phượng Hoàng phía Tây (thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk) đã khoan được gần 41m dài, trong đó hầm phải đào được 18m, hầm trái đào được 31m dài.
Hiện tại, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đang tiếp tục huy động các cán bộ kỹ thuật, thiết bị máy móc nổ mìn phá đá, khoan hầm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Ban điều hành Gói thầu XL01 cho biết, đối với hầm trái, tốc độ đào theo yêu cầu là 1m dài/ngày. Trong khi đó, tốc độ đào trung bình từ đầu dự án là 0,66m dài/ngày.
Đối với hầm phải, tốc độ đào theo yêu cầu là 1m dài/ngày. Trong khi đó, tốc độ đào trung bình từ đầu dự án là 0,85m dài/ngày.
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, hiện nay, phía trong hầm, các cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đang tiếp tục nổ mìn phá đá để thi công.
Theo tính toán của Ban điều hành gói thầu, hầm trái có chiều dài 1.678,5m, dự kiến đến ngày 13/10/2025 thông hầm, còn theo tiến độ đào hiện tại thì dự kiến đến ngày 21/10/2025 là sẽ thông hầm.
Đối với hầm phải, có chiều dài 1.685,565m, theo tiến độ trình dự án thì dự kiến đến ngày 6/12/2025 sẽ thông hầm, còn theo tiến độ đào hiện tại dự kiến đến ngày 7/12/2025 sẽ thông hầm.
Khẩn trương xử lý dứt điểm các vướng mắc
Gói thầu XL01 (thuộc Dự án thành phần 2, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột) có tổng chiều dài 11km (từ Km32+000 đến Km43+000). Tổng giá trị gói thầu là 3.083 tỷ đồng. Trên tuyến, ngoài phần đường, hầm Phượng Hoàng dài 1,7km, còn có 10 cầu. Dự kiến gói thầu được hoàn thành vào tháng 6/2027.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu, Ban Điều hành Gói thầu XL01 kiến nghị chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp xử lý các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, bãi thải, nguồn vật liệu,... để nhà thầu tranh thủ thời tiết nắng ráo tổ chức thi công thuận lợi trước khi mùa mưa tới.
Trước đó, ngày 14/5, ngay UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức cuộc họp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bãi đổ thải, chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột...
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk thống nhất giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, rà soát, đánh giá vị trí các bãi đổ thải do chủ đầu tư đề xuất. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, đánh giá vị trí các bãi đổ thải, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh giải quyết.
Liên quan đến nội dung chuyển mục đích sử dụng rừng đối với Dự án thành phần 2 (diện tích 135,46ha thuộc địa bàn các huyện M'Đrắk, Krông Bông và Ea Kar), UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định số 1206 ngày 23/4/2024 về việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện M'Đrắk, Krông Bông và Ea Kar khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý tài sản, phương án tận thu, tận dụng lâm sản... trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xử lý, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Dự án thành phần 3 (diện tích 33,97ha thuộc địa bàn các huyện Ea Kar, Krông Pắk), UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, hoàn chỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của các huyện Ea Kar, Krông Pắk.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của các huyện Ea Kar, Krông Pắk, tham mưu UBND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng Dự án thành phần 3 để triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định.
Ngoài ra, để có cơ sở hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án, ngày 15/5, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện việc sử dụng đất hữu cơ, đất không thích hợp từ hoạt động bóc lớp phủ trong quá trình thi công nền đường của Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 để thực hiện hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường cho mỏ vật liệu phục vụ dự án và thu hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các bãi thải của dự án cao tốc để sử dụng cho các công trình, dự án đầu tư công của tỉnh.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117km, với tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần.
Trong đó, dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km32+000) với chiều dài khoảng 32km cơ bản trên địa phận tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.632 tỷ đồng sẽ do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.818 tỷ đồng do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Đoạn tuyến này đi qua địa bàn 2 tỉnh, có tính chất phức tạp về địa hình, nhiều công trình cầu (khoảng 27 cầu) và toàn bộ 3 hầm trên tuyến, phải xây dựng khung chính sách giải phóng mặt bằng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48,5km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Khánh Ngọc