Theo The Verge, một thiên thạch đã đi vào bầu khí quyển của Trái đất và nổ tung trên bầu trời Michigan (Mỹ) tuần qua. Nó phát ra ánh sáng chói lòa trong một quãng thời gian ngắn ngủi sau đó bầu trời lại bao phủ bởi bóng đêm.
Đơn vị Khảo sát địa chất Mỹ khẳng định, thiên thạch này đã tiến vào bầu khí quyển từ New Haven, bang Michigan (khoảng 36 dặm về phía bắc) gây ra một xung động tương đương với một trận động đất cường độ 2.0.
Các video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một điểm sáng rực lên trên bầu trời trước khi nổ tung. Những người chứng kiến sự kiện này cho biết, ánh sáng còn xuất hiện sau sự bùng nổ lớn chỉ vài phút.
Các viên chức của NASA đã xác nhận với The Detroit News rằng kính thiên văn của họ đã bắt gặp sự kiện vào lúc 8:08 tối tại Oberlin College ở Ohio. NASA hiện đang phân tích dữ liệu của sao băng và cho biết vụ nổ là một sự kiện lớn và hiếm có ở Michigan.
Bill Cooke từ văn phòng môi trường Thiên thạch của NASA ở Alabama cho biết, ông ước tính thiên thạch này nặng hơn một tấn và đã vượt qua quãng đường 40.000 đến 50.000 dặm để đến Trái đất.
NASA định nghĩa thiên thạch (hoặc sao băng) như đá hoặc mảnh vỡ trong không gian đi qua bầu khí quyển của Trái đất. Đường mòn ánh sáng của chúng phát ra là do ma sát tạo ra. Khi vào bầu khí quyển, chúng sẽ phát nổ. Đa phần những mảnh vụn của chúng sẽ bốc cháy trên cao, phần còn lại sẽ rơi xuống Trái đất tạo thành mưa thiên thạch.
Lịch sử loài người từng chứng kiến nhiều vụ thiên thạch rơi chấn động như vụ ở Tunguska, Sudbury Basin, Vredefort Dome,... Thậm chí, nguyên nhân dẫn đến tuyệt chủng của khủng long trên Trái Đất cũng bị "đổ lỗi" cho một vụ nổ siêu thiên thạch làm thay đổi môi trường sống tự nhiên.
Hiện, chưa có thông tin nào cho thấy có thiệt hại từ vụ nổ thiên thạch tuần qua. Tuy nhiên, các nhà khoa học của NASA cho biết, họ vẫn sẽ tiếp tục theo dõi quỹ đạo của thiên thạch "mẹ" để xem liệu có mảnh vỡ nào tiếp tục rơi xuống Trái đất hay không.