Mỗi năm thu nhập 200 triệu đồng từ nghề cá
Theo VietNamNet, cứ 6h sáng mỗi ngày, chị Võ Thị Hoa Phụng (34 tuổi) cùng chồng đi tàu từ TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) sang lồng bè nuôi cá quý hiếm của gia đình trên sông Cổ Chiên, phía bờ cù lao An Bình (huyện Long Hồ).
Chị Phụng chia sẻ: “Hôm nay, tôi xuất bán 400kg cá cóc cho thương lái, với giá 120.000 đồng/kg, để họ đem lên An Giang giao lại cho các nhà hàng, quán ăn”.
Theo chị Phụng, chị là con út trong gia đình có 7 anh em. Dù tốt nghiệp sư phạm và có thời gian dài gắn bó với nghề giáo nhưng chị vẫn quyết nghỉ việc để theo đuổi đam mê nuôi cá bè. Tính đến nay gia đình chị đã có 20 năm kinh nghiệm nuôi cá.
Chị cũng cho biết, thị trường tiêu thụ các loài cá đặc sản luôn ở mức ổn định, không lo bị “bể chợ” như nuôi cá diêu hồng hay cá tra.
Các loại cá quý hiếm chị Phụng đang nuôi được lấy giống từ Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ.
Gắn bó với nghề nuôi cá nhiều năm, chị Phụng hiểu rõ tập tính của từng loài. Hiện gần 40 bè của chị Phụng nuôi các loài cá quý hiếm, đặc sản như: cá hô, vồ cờ, trà sóc, mè hôi, cóc…
Theo chị Phụng, việc nuôi cá phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Những tháng lạnh không nên thả cá giống vì cá gần như không ăn. Sau Tết, thời tiết ấm áp là thời điểm tốt nhất để thả giống.
Hiện nay, mỗi năm trừ hết chi phí, chị Phụng thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ các bè cá.
Cá cóc là đặc sản miền Tây
Thông tin trên Dân trí, cá cóc thuộc họ cá chép Cyprinidae, cá cóc có tên khoa học Cyclocheilichthys enoplos. Những ngư dân giàu kinh nghiệm ở Vĩnh Long cho biết cá cóc thường sống theo đàn. Sau mùa nước nổi ở miền Tây, cá cóc mẹ sẽ bơi ngược về Biển Hồ đẻ trứng. Thời điểm đó bắt cá dễ nhất, bằng cách thả lưới chìm, giăng câu tận đáy sông…
Cá cóc được chế biến với rất nhiều món ngon: cá cóc kho nước dừa, cá cóc kho lạt với trái me xanh, cá cóc nấu canh chua cơm mẻ hoặc trái giác, cá cóc nướng muối ớt, cá cóc chiên tươi... Ở Vĩnh Long thực khách rất ưa dùng món cá cóc kho nước dừa ăn với các loại rau ăn sống và xoài hườm bằm.
Nghi Dung (Tổng Hợp)