Hồi đầu năm, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Sinh thái học ứng dụng, Đại học Đông Bắc và Tổ chức Địa lý Nga đã thực hiện chuyến thám hiểm khảo cổ học tại quần đảo Novosibirsk ở Siberia và tìm thấy xác voi ma mút cái tại đây.
Khi được tìm thấy, xác voi ma mút được lưu trữ trong tình trạng hoàn hảo, đến mức lông, tóc vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt hơn là ở một số chỗ máu vẫn còn sót lại trong cơ thể con vật. Qua nghiên cứu, con ma mút này sống cách đây 39.000 năm và qua đời ở tuổi 50, 60.
Xác voi ma mút này được trưng bày tại một phòng triển lãm ở Yokohama, phía Nam Tokyo (Nhật Bản) từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay.
Dù xác voi ma mút bị đóng băng suốt hàng chục ngàn năm qua nhưng các tế bào gần như vẫn còn nguyên vẹn.
Chiếc vòi hóa thạch của voi ma mút 39.000 năm tuổi. Nhà khoa học Hàn Quốc Hwang Woo-suk muốn dùng DNA trong mẫu máu của con ma mút để nhân bản giống loài này trở lại cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về loài voi ma mút cho đây là việc hoang đường và bất khả thi.
Theo các nhà khoa học, các bộ phận của xác voi ma mút được bảo quản tốt là bởi vì nó hoàn toàn bị đóng băng trong suốt hàng nghìn năm - bao gồm cả tóc. Tuy nhiên, phần thân trên và hai chân đã được chôn vùi trong đất và bị tàn phá bởi những kẻ săn mồi thời tiền sử. Do đó tới nay, những bộ phận này gần như không còn hoàn thiện.
Cùng với việc lấy mẫu máu, các nhà khoa học Nga cũng phát hiện ra, mô cơ từ thịt voi ma mút này cũng được "bảo toàn" khá tốt. Trưởng nhóm thám hiểm Semyon Grigoriev cho biết, những mẫu mô cơ bên trong cơ thể sinh vật này có chứa màu đỏ tự nhiên của thịt tươi.
Mẫu máu được lấy từ xác ướp voi ma mút.
Voi ma mút là một loài thú khổng lồ với chiều cao tính đến vai tới 3,4 m, nặng vài tấn, phổ biến ở châu Âu và châu Á. Chúng tiến hoá thành nhiều nhánh để thích nghi với môi trường sống, như voi ma mút lông dài chịu rét giỏi, phát triển mạnh trong điều kiện giá lạnh của Siberia thời Kỷ Băng hà.
Theo Kiến thức