Kinh hoàng"xóm nước đen"
Theo chân một anh bạn làm thợ hồ trên địa bàn quận Bình Thạnh (TP.HCM), chúng tôi có dịp "thị sát" đời sống của người dân một khu "ổ chuột" tồi tàn tại phường 13. Khu nhà trọ của anh nằm sâu trong một con hẻm nhỏ xíu, với mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ nước của con kênh phía dưới. Anh dẫn chúng tôi vào "lều" được che chắn bằng thứ vật liệu "tổng hợp" với đủ loại bao bì, giấy báo... Anh cho biết, dẫu căn phòng tồi tàn là thế nhưng giá thuê cũng gần cả triệu mỗi tháng. Anh còn tự hào khoe thêm: "Ở cái thành phố này tìm được phòng giá "mềm" như thế là chuyện chẳng dễ dàng gì".
Không chỉ "lều" trọ của anh bạn tôi được ví như "khách sạn ngàn sao" mà cả khu này phòng nào cũng "thoáng đãng" đến khó tin như thế. Tới đây, chúng tôi không thể ngồi lâu trong phòng vì những thứ mùi bốc lên từ hàng trăm loại rác rưởi người dân thải xuống con kênh. Nhìn những dòng nước đen ngòm, quện lại, đặc quánh dưới những khe hở của sàn nhà khiến chúng tôi không khỏi hoảng hốt. Những "lều trọ" này không phải dựng trên mặt đất mà nó được thiết kế bằng các cọc gỗ chôn xuống dòng kênh làm giá đỡ cho những sàn gỗ đã cũ kĩ, mục nát.
Khi "tham quan" khu vệ sinh của "lều trọ", chúng tôi bàng hoàng bởi người ta chỉ cần lấy những tấm bạt nhàu nát khoanh vùng một góc sàn, ở giữa khoét một lỗ hổng và cứ thế phóng uế xuống lòng kênh hết sức hồn nhiên. Điều tệ hại hơn là chính những người dân ở đây lại bơm trực tiếp nước từ con kênh đó và xử lý thô sơ để dùng làm nước sinh hoạt. Khi được hỏi, làm sao có thể sống được ở một nơi như thế anh bạn tôi cười hiền trả lời: "Sống ở đây riết thành quen, mà mình nghèo không có tiền thì dám đòi hỏi gì". Theo quan sát của chúng tôi, tất cả các "lều trọ" tại khu vực này đều chung một thực trạng như thế. Với những cư dân ở đây họ chỉ cần có chỗ để "chui ra chui vào" nghỉ ngơi sau một ngày mưu sinh vật vã, chứ chẳng quan tâm gì đến những vấn đề khác, mà nói như anh bạn tôi: "Họ nghèo đâu có quyền đòi hỏi".
Một "xóm nước đen" tại quận Bình Thạnh (TP.HCM)
Thực tế, khu “ổ chuột” mà anh bạn tôi đang tá túc chỉ là số ít trong rất nhiều "xóm nhà lá" lụp xụp giữa lòng cái thành phố phồn hoa này. Chỉ riêng quận Bình Thạnh, chúng ta có thể khoanh vùng các "xóm nước đen" tại bất cứ khu dân cư nào nằm cận kề dòng chảy của những con kênh mà độ ô nhiễm của nó có lẽ chẳng thể lớn được hơn. Trên địa bàn TP.HCM các khu "ổ chuột" còn tập trung nhiều ở những quận như: 4, 6, 7, 8, Gò Vấp... đều có chung một thực trạng như thế.
Nghiệt ngã đời mưu sinh
Hy vọng vào tương lai Tại TP.HCM, những khu "ổ chuột" còn rất nhiều vấn đề mà chính quyền địa phương cần phải quan tâm, tháo gỡ. Rất may, đâu đó chúng tôi vẫn gặp những cư dân sống đời nghèo khó, nhưng luôn hy vọng vào tương lai tươi sáng. Họ chưa trông đợi vào sự giúp đỡ của người khác mà cố gắng nỗ lực, phấn đấu cho hiện tại. Họ cho con cái ăn học thành tài, cải tiến tư duy "ổ chuột" để một ngày nào đó họ sẽ thoát ra xóm nghèo. |
Ngoài sự tồi tàn, hôi thối, ô nhiễm trầm trọng thì có một điểm chung nữa là tất cả những người dân sống ở các "xóm nước đen" này đều là người lao động ngoại tỉnh nghèo khó, thu nhập bấp bênh. Nơi đây, cũng được biết đến như là "điểm nóng" cho các tệ nạn xã hội bùng phát. Tại các "xóm nước đen" nạn cờ bạc, hút chích, thanh toán lẫn nhau diễn ra rất thường xuyên bởi có rất nhiều cư dân của khu vực này là thành phần "bất hảo", không nghề nghiệp, không gia đình. Chúng chọn khu "ổ chuột" như là một nơi "ẩn cư" an toàn để tiếp tục cuộc đời “ký sinh” của mình.
Ghé thăm một khu "ổ chuột" khác trên địa bàn quận Bình Thạnh, PV tiếp tục được chứng kiến cuộc sống hết sức thiếu thốn của người dân nơi đây. Trong những "căn lều" lụp xụp nằm bên bờ kênh là mái ấm của biết bao con người lam lũ. Thường ngày, họ lăn lộn bằng hàng trăm thứ nghề nặng nhọc từ: Phụ hồ, bốc vác, lượm ve chai, bán số... Khi hết một ngày làm việc, họ tìm về đây bên những con người cùng cảnh ngộ chia sẻ với nhau để vơi đi nỗi cơ cực luôn hiện hữu.
Chúng tôi ghé thăm "tổ ấm"của bà Nguyễn Thị Bảy, nay đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy này, mưu sinh bằng việc giữ trẻ cho các nhà khác trong xóm. Đó cũng như bất cứ những túp lều khác, với mái tôn xiêu vẹo, tấm vách lều cũ kĩ, nguồn nước đen ngòm, mùi hôi thối không ngừng bốc lên từ bờ kênh phía dưới. Bà Bảy nói: "Tui nhận giữ trẻ một phần để kiếm chút tiền sống qua ngày, phần nữa tui già rồi không làm được gì thì giúp người ta vậy, ba mẹ mấy đứa này cũng tội nghiệp lắm, có tháng tui phải còn cho chúng thiếu tiền nữa đấy". Có lẽ, khi nhìn những đứa trẻ hồn nhiên, bập bẹ vây quanh người má già miền Tây hiền lành, chút không khí thanh bình ấy sẽ khiến rất nhiều người cha, người mẹ vơi đi nỗi mệt nhọc thường ngày và vững tâm hơn để lăn lộn với đời.
Tại nhà bà Bảy, chúng tôi gặp bố một đứa trẻ, nhìn những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt đầy khắc khổ của một thanh niên. Nhìn khuôn mặt người thanh niên này ít ai nghĩ rằng chàng trai này vẫn còn ở cái tuổi đôi mươi. Nam thanh niên cho biết: "Mình tên P. quê ở tận Kiên Giang, lấy vợ gần hai năm, cả hai vợ chồng đều làm mướn cho người ta, ai thuê gì thì làm nấy, những lúc công việc khan hiếm thì phải chạy vạy khắp nơi để có tiền lo cho con". Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại “xóm ngụ cư” này không chỉ riêng anh P. có gia cảnh khó khăn mà hầu như bất cứ thành viên nào cũng thuộc vào dạng "bần cùng" cả.
Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn là không phải tất cả cư dân của cái xóm ngụ cư này là lao động chân chính. Sống bên cạnh những người hiền lành, lam lũ là rất nhiều gã nghiện ngập, quậy phá, chúng chơi bời trác táng và không từ một thủ đoạn nào để kiếm tiền. Ghé một quán cà phê cóc đầu hẻm một "xóm nước đen" hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là hàng chục gã thanh niên mặt mày bặm trợn, tốp thì nhậu nhẹt tốp thì đang "xóc bầu cua" sát phạt nhau. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số đó có rất nhiều kẻ là "giang hồ tứ chiến" dạt về đây để chờ thời trỗi dậy. Đám dân "anh chị" này luôn làm xáo trộn cuộc sống yên bình của "xóm ngụ cư" bằng những buổi ăn chơi sa đọa, những màn "thanh trừng" hết sức ghê rợn. Chị L. chủ quán nhậu ở đây cho biết: "Bọn này ngày nào cũng ra đây nhậu nhẹt, thiếu tiền, mà nói lại thì chúng đâu có để cho mình yên, người dân trong xóm ai cũng biết nên tránh mặt cả".
Với những túp lều xiêu vẹo, rách nát, những con người lam lũ nghèo khó, những thành phần "bất hảo"... tất cả tạo cho các "xóm nước đen" một sự lai căng đầy ghê rợn. Mảng tối ở các khu ổ chuột như là một nét vẽ nguệch ngoạc lên bức tranh Sài thành diễm lệ, là "nốt trầm" của bản nhạc du dương. Điều đấy đã làm rõ lên cái vẽ muôn màu của cuộc sống và giúp chúng ta hiểu rằng dẫu ở bất kỳ đâu thì cũng cần lắm sự yêu thương và sẻ chia.
Thủy Lôi