“Dán” mắt vào điện thoại, học 8 - 9 tiết/ngày
Từ ngày 6/9, phần lớn học sinh phổ thông tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến. Đến nay, sau 1 tuần các con học online, nhiều phụ huynh cho rằng, chương trình dạy và học trực tuyến như hiện nay đang bộc lộ những bất cập.
Trong đó, đa số các bậc cha mẹ lo lắng cho sức khỏe, đôi mắt của con khi phải “dán” vào điện thoại, máy tính nhiều giờ đồng hồ, thậm chí là các con phải học cả 2 ca sáng và chiều.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Vương Thị Thu Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị có con đang học cấp 2 tại một trường công lập trên địa bàn Hà Nội. Qua 1 tuần con học online, chị cảm thấy việc học đang tạo áp lực rất lớn với đôi mắt của con.
Chị Hương nói: “Lịch học của con tôi, hầu như ngày nào cũng kín cả sáng lẫn chiều. Một ngày mà có tới 8 đến 9 tiết ngồi trên màn hình điện thoại hoặc máy tính thì áp lực vô cùng. Nếu con học trực tiếp ở trên lớp thì có thể học cả sáng và chiều nhưng nếu ngành giáo dục xếp lịch cho các con học trực tuyến mà ngồi cả ngày trước máy tính thì không ổn, gây căng thẳng cho các con. Hơn nữa, điều tôi lo ngại nhất là đôi mắt của các con khi học online như thế này. Một, hai ngày gần đây, cháu nói là rất mỏi mắt”.
Theo chị Hương: “Tôi nghĩ rằng, để giảm áp lực căng thẳng cho các con cũng như giảm mức độ ảnh hưởng tới đôi mắt của trẻ thì ngành giáo dục nên giảm tải chương trình học trực tuyến, chỉ cần dạy cho các con những kiến thức cơ bản, còn kiến thức nâng cao thì khi nào hết dịch, các con đến trường sẽ học sau. Hoặc những môn không tính điểm mà được đánh giá bằng nhận xét như giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật thì cũng không nhất thiết phải đưa vào dạy trong giai đoạn học trực tuyến. Mong rằng, con chỉ phải học 1 buổi/ngày”.
Cũng bày tỏ tâm trạng về vấn đề này, anh Nguyễn Tiến Dũng ( Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh: “Tôi có con năm nay vào lớp 1, từ hôm con bắt đầu học online là lúc nào cũng phải có người lớn… học cùng. Trước khi bước vào năm học mới, gia đình đã chủ động mua máy tính để hỗ trợ cho con học trực tuyến. Tuy nhiên, các con vừa lên lớp 1 mà ngày nào cũng bắt ngồi học mấy tiếng đồng hồ trước màn hình điện thoại thì hại mắt lắm, không biết ngành giáo dục có tính tới vấn đề này không? Vợ chồng tôi nhìn con học mà rất xót! Ngoài ra, việc học lâu sẽ khiến thiết bị điện thoại nóng ran, nếu chẳng may hết pin mà cắm sạc dễ gây cháy nổ, nguy hiểm”.
Đừng làm ảnh hưởng đôi mắt của trẻ nhỏ
Trao đổi với Người Đưa Tin, chuyên gia giáo dục – TS. Lê Viết Khuyến cho rằng: “Đối với học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh tiểu học và THCS thì nên kết hợp giữa hình thức học qua truyền hình và học trực tuyến. Trong đó, lứa tuổi học sinh tiểu học và THCS, sức khỏe đôi mắt đang còn non, nếu như hàng ngày các con ngồi liên tục nhiều tiếng đồng hồ trên máy tính, điện thoại thì mắt sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngay cả nhiều nước phát triển trên thế giới, họ có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để học trực tuyến nhưng đến nay họ đã nghiên cứu, đúc kết rằng, học sinh tiểu học nếu học trực tuyến sẽ không tốt bằng học qua truyền hình”.
Vị chuyên gia giáo dục phân tích: “Tôi cho rằng, nếu học online thì nên giảm tải bớt chương trình học, khi nào các con đến trường sẽ học bổ sung sau. Nếu cần thiết, các con có thể kéo dài thời gian học và nghỉ hè muộn hơn bình thường. Đừng bắt các con học cả ngày trên máy tính, điện thoại, rất hại cho sức khỏe.
Đó là chưa kể, không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua thiết bị công nghệ để cho con học. Còn nếu như học qua truyền hình thì sẽ thuận lợi hơn, sóng phủ khắp cả nước, hầu như nhà ai cũng có ti vi. Hơn nữa, học trên truyền hình thì có thể huy động được giáo viên giỏi trên cả nước tham gia dạy chính. Còn lại, vấn đề nào cần tăng cường thêm thì có kể kết hợp với dạy online”.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhìn nhận: “Học trực tuyến chỉ nên áp dụng đối với sinh viên đại học, cao đẳng, học sinh THPT; không nên áp dụng đối với học sinh THCS, tiểu học, mầm non.
Bởi vẫn còn những khó khăn về thiết bị và đường truyền. Điều qua trọng nữa là học sinh THCS, tiểu học thì đôi mắt còn non, chưa định hình được, tôi ví như cây măng vừa mọc nếu như chưa cứng cáp mà đã uốn cong thì không thể thành cây tre khỏe.
Tôi mong rằng các nhà khoa học hãy lên tiếng điều này. Tôi với tư cách là một nhà sinh học, cho rằng, hãy quan tâm bảo vệ đôi mắt của trẻ em. Không thể làm hỏng đôi mắt của cả một thế hệ, từ đó sẽ làm giảm chất lượng lao động. Nhất là trong thời đại công nghiệp này, đôi mắt con người vô cùng quan trọng, ngay cả thiết bị máy móc công nhân lắp ráp thì các chi tiết cũng đòi hỏi độ chính xác cao, nhưng nếu như đôi mắt không điều tiết tốt thì sẽ giảm năng suất lao động”.
Nhìn nhận dưới góc độ y học, Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Cương, chuyên ngành Nhãn khoa, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: “Ánh sáng xanh được sản sinh rất nhiều ở các thiết bị điện tử như máy tính bảng, laptop, điện thoại, tivi... Mắt của chúng ta có khả năng ngăn chặn hầu hết các ánh sáng tử ngoại (tia UV) nhờ cấu trúc của giác mạc và thủy tinh thể, nhưng lại gần như không có khả năng ngăn chặn các bước sóng của ánh sáng xanh. Bởi vì, đặc điểm của ánh sáng xanh là có bước sóng thấp và năng lượng cao nên sẽ gây tổn thương các tế bào võng mạc. Việc tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng xanh sẽ gây ra các triệu chứng như nhức mỏi mắt, chảy nước mắt, bệnh lý khô mắt.
Nghiêm trọng hơn, với khả năng gây ra tổn thương trên lớp biểu mô sắc tố và các tế bào cảm thụ ánh sáng ở võng mạc làm tăng khả năng bị bệnh thoái hóa hoàng điểm - bệnh lý dẫn đến nguy cơ giảm và mất thị lực mà hiện tại các phương pháp điều trị còn rất hạn chế”.
Bàn luận về việc học online của học sinh, Tiến sĩ Hoàng Cương nhấn mạnh: “Trẻ em chưa biết điều tiết để tránh mỏi mắt. Nếu các cháu học online trên các thiết bị điện tử, đặc biệt là các thiết bị nhỏ như máy tính bảng hay điện thoại thì sẽ rất nhức, mỏi mắt, tiếp xúc lâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị giác của trẻ”.