H iện nay, nhiều người có tiền lập bàn thờ tiền tỷ, đồ thờ đắt rồi xây phủ thờ, lăng mộ rất đồ sộ. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
Có thể thấy, việc thờ cúng hiện nay đã thay đổi quá nhiều. Điều này do nhiều yếu tố, cả về kinh tế cũng như về xã hội, tinh thần rồi chuyển từ thái cực này sang thái cực kia. Có một thời, người ta ít quan tâm đến chuyện thờ cúng tổ tiên, do điều kiện về kinh tế, tư tưởng. Thời bao cấp, mỗi người được phân dăm ba lạng thịt, 12, 13 cân gạo thì làm sao có thể làm việc thờ cúng tổ tiên cho đàng hoàng. Giờ kinh tế đã khá, đời sống các gia đình dư giả, người ta làm thờ cúng càng ngày càng chu đáo, tươm tất hơn.
Trước đây, cứ nói đến thờ cúng tổ tiên thì bị coi là lạc hậu, bảo thủ, là cá nhân chủ nghĩa, gia đình chủ nghĩa. Ai cũng phải có tinh thần tập thể, tin vào lý tưởng chung của xã hội. Hiện nay, tôi đang thấy vấn đề thờ cúng tổ tiên của chúng ta trở lại bình thường trong xã hội. Người ta làm giỗ to giỗ nhỏ, rồi ma chay to, lăng mộ đồ sộ cũng chẳng ai nói. Một bộ phận người dân đã nghĩ không chỉ là lý tưởng chung mà nghĩ rằng tổ tiên sẽ phù hộ cho người ta về công ăn việc làm, giàu có thành đạt. Người ta tin vào tổ tiên hơn, tin vào tâm linh, thậm chí họ có thể mất niềm tin với nhiều vấn đề khác trong cuộc sống. Đó là những yếu tố tác động làm người ta quan tâm đến chuyện thờ cúng, đến bày trí bàn thờ.
PGS.TS Lê Quý Đức.
Bên cạnh đó còn là vấn đề tâm lý. Người Việt Nam ta thích thể hiện dòng họ này với dòng họ kia, mồ mả to hay không to, đám ma to hay không theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy". Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân nữa. Chẳng hạn, có một số người vượt biên qua Mỹ, trước đây bị phê phán, giờ gửi tiền về cho anh em họ hàng làm hộ lăng mộ to. Điều đó để chứng tỏ: "Chúng mày phê phán tao, giờ tao nhiều tiền, tao hơn hẳn". Bên cạnh đó, tâm lý truyền thống vẫn ăn sâu vào tiềm thức nhiều người. Có câu tục ngữ "Người ta lớn về mồ về mả chứ ai lớn về cả bát cơm". Người ta không nhìn vào bát cơm lớn của một gia đình, dòng họ mà nhìn vào mộ của dòng họ đó lớn hay nhỏ. Từ đó dẫn đến tình trạng một bộ phận đua nhau xây mồ mả tổ tiên, lăng mộ, thành phố ma, phủ thờ, từ đường...
Vậy, xu hướng này tốt hay xấu, thưa ông?
Xu hướng này cũng có mặt tích cực, nhưng nhìn chung do nhiều người quá quan tâm đến đời sống tâm linh, quá quan tâm đến quá khứ, đến nơi ăn chốn ở của người chết mà quên hoặc chưa quan tâm đến đời sống thế tục. Phàm cái gì thái quá cũng không tốt. Tôi cứ ví đơn giản, nếu anh quá đầu tư xây dựng mồ mả tổ tiên, lập bàn thờ cho thật to, uy nghi, giá trị vật chất cao, trong khi đó đời sống cá nhân, rồi con cái học hành không quan tâm thì điều ấy thái quá. Hay như dòng họ anh có nhiều tiền xây mồ mả trong khi địa phương thì trường học, nhà trẻ, nhà vệ sinh... chưa có hoặc chưa tốt mà đem tiền "đốt" vào xây mồ mả đồ sộ là không nên. Chỉ có thể đánh giá tốt hoặc không tốt về phương diện đạo đức chứ không thể phê phán và không nên phê phán vì không có cơ sở pháp lý.
Khi người ta quan tâm nhiều đến thờ cúng, tâm linh, đó có phải do họ quá mê tín hay đơn giản là lòng biết ơn tổ tiên?
Việc lập những bàn thờ tiền tỷ, xây phủ thờ uy nghi phần nhiều thể hiện ý thức về tâm linh đã vượt và lấn át ý thức về đời sống thực, đời sống thế tục. Tất nhiên, cũng tồn tại một số trường hợp chẳng hề tin vào tâm linh mà họ chỉ muốn chơi trội, muốn khoe mẽ với thiên hạ. Rồi, có người chỉ nhằm mục đích làm cái nhà thờ to hơn dòng họ ở làng bên.
Khi con người quan tâm đến người quá cố cũng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn nhưng vẫn phản ánh thực tế rằng, họ đang thiếu niềm tin vào thế tục nên phải tin và nhờ cậy vào niềm tin tâm linh.
Theo ông, có cách gì để giảm bớt sự thái quá trong thờ cúng tâm linh của một bộ phận người dân hiện nay?
Chúng ta chỉ có thể tạo ra dư luận xã hội đánh giá về những sự thái quá ấy. Dùng biện pháp có tính chất văn hóa, xã hội, tinh thần để thay đổi suy nghĩ của họ. Ở những vùng đất hiếm, mỗi gia đình chỉ được phân bao nhiêu mét đất cho người chết mà bỗng dưng lại có người chơi trội, làm lăng mộ rộng gấp trăm nghìn lần nhà người khác thì có phần quá đà.
Xin cảm ơn ông!
Yến Dương