Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), nhiều ĐBQH đã quan tâm đến vấn đề phục hồi danh dự và công khai xin lỗi người bị oan.
ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ - đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn (Vụ trưởng vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) cho rằng, quá trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật đã được tiến hành một cách nghiêm túc.
ĐBQH Thủy đưa ý kiến về 2 vấn đề liên quan đến bồi thường oan trong tố tụng hình sự. Theo đó, về việc tổ chức xin lỗi công khai đối với người bị oan và phục hồi danh dự cho họ, ĐBQH Thủy cho rằng, dự thảo đã xử lý đúng vấn đề này khi đưa nội dung này vào mục 3, Chương 5 và lấy tên gọi là Phục hồi danh dự cho người bị oan.
Tuy nhiên, dự thảo tiếp cận theo hướng, chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu, Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ. Còn nếu như người bị oan không có đơn yêu cầu, thì việc xin lỗi công khai và phục hồi danh dự sẽ không diễn ra. "Tôi cho rằng cần cân nhắc thêm về nội dung này", vị ĐBQH nêu ý kiến.
Theo ĐBQH Thuỷ, báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trích dẫn điều 34 của Bộ luật Dân sự quy định, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự thì có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin đó xin lỗi, cải chính công khai. Báo cáo cho rằng, căn cứ vào quy định nêu trên của Bộ luật Dân sự thì xin lỗi và cải chính công khai là quan hệ dân sự thuộc về quyền nhân thân. Do đó chỉ khi người bị oan có yêu cầu, Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai.
"Chúng tôi cho rằng, việc trích dẫn Điều 34 vào đây là chưa phù hợp, bởi vì ở đây không phải là cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự mà là cá nhân bị cơ quan tố tụng làm oan trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, phục hồi danh dự cho người bị oan phải là trách nhiệm công vụ chứ không phải quan hệ dân sự”, bà Thuỷ khẳng định.
Cũng theo bà Thủy, cần thấy tính chất rất nghiêm khắc của các biện pháp tố tụng hình sự. Nếu các biện pháp này áp dụng đúng sẽ phát huy tốt, nhưng nếu áp dụng sai thì hậu quả để lại cho người bị oan là rất nghiêm trọng.
Bà Thủy lấy ví dụ biện pháp bắt người được quy định tại Điều 113 của luật Tố tụng hình sự. "Nếu việc bắt người được tiến hành ở nơi người đó cư trú phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền sở tại và xóm giềng. Nếu việc bắt người được tiến hành tại nơi người đó làm việc, thì phải có sự chứng kiến của đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác. Sau khi bắt xong, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn phải tiến hành các thao tác sau đây: khám người, còng tay, áp giải đi... Sau khi đã trải qua tất cả các việc này, trước sự chứng kiến của đông đảo xóm giềng, đồng nghiệp, vợ con… mà sau này được xác định là oan thì phải có đơn yêu cầu mới được nhà nước phục hồi danh dự thì phải hết sức cân nhắc”, bà Thuỷ phân tích.
Cùng với quá trình chuẩn bị tội phạm, kẻ phạm tội cũng chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong việc che giấu tội phạm. ĐB Thuỷ nhấn mạnh: “Trước khi được Nhà nước bồi thường về vật chất thì người bị oan mong được Nhà nước tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự để cho họ được trở thành người bình thường trong xã hội và không phải chịu ánh mắt canh chừng của xã hội”.
Từ đó, ĐB Thuỷ cũng đề nghị quy định này phải được chỉnh lý điều này theo hướng trong mọi trường hợp, sau khi có văn bản xác định là oan thì cơ quan tố tụng chủ động xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho người bị oan, trừ trường hợp người bị oan không yêu cầu tổ chức xin lỗi.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, chúng ta đang xây dựng một Nhà nước văn minh thì phải cư xử lịch sự. “Bất kỳ ai phạm lỗi với người khác cũng đều phải xin lỗi trước khi bị yêu cầu”, ĐB Nhưỡng nói. Từ đó, ĐB khẳng định Nhà nước phục vụ là Nhà nước phải chủ động thực hiện quyền của người dân chứ không phải đợi đến lúc người dân đòi hỏi.
ĐBQH Đặng Thuần Phong (đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho rằng, cần giải thích rõ hơn và nghiên cứu bổ sung các quy định về phục hồi danh dự để đảm bảo quyền lợi của người bị oan.
Dương Thu (ghi)