Xung quanh sự kiện một điều tra viên (công an huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) bị xử lý kỷ luật vì tội gây khó dễ cho luật sư, PV báo nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Thịnh - phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Những cuộc "đấu trí" của luật sư với cơ quan CSĐT
Các luật sư đang ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết các sự kiện pháp lý, góp phần làm rõ các tình tiết kết tội hoặc gỡ tội. Tuy nhiên, có một thực tế là không ít trường hợp luật sư bị "lép vế" trước cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là những vụ án đang trong giai đoạn điều tra.
Việc có một điều tra viên phải thuyên chuyển công tác, miễn nhiệm chức danh điều tra viên vì có lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm luật sư và công khai thông tin với báo chí có lẽ là việc chưa có tiền lệ. Ông đánh giá như thế nào về trường hợp này?
Về sự kiện điều tra viên (ĐTV) Thạch Rít Thi công tác tại cơ quan CSĐT huyện Trà Cú (Trà Vinh) đã xúc phạm đến uy tín, danh dự nhân phẩm của luật sư (LS) thuộc Văn phòng LS Vạn Lý, sau đó từ chối không cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho LS Nguyễn Văn Đức.
Nếu LS xuất trình đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự và Luật LS thì ĐTV đã vi phạm vào Điều 9 các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật LS: "Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của LS"; Vi phạm vào Điều 27 Luật LS và Điều 56 của Bộ luật tố tụng Hình sự về việc cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho LS.
Liên đoàn LS Việt Nam đồng tình với cách xử lý và giải quyết vụ việc của cơ quan CSĐT huyện Trà Cú. Thực tế này, nếu ví von về mặt pháp lý thì nó giống như cuộc "đấu trí" về lý lẽ, căn cứ pháp luật giữa LS và CQĐT.
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh đồng tình với cách xử lý của công an huyện Trà Cú (Trà Vinh).
Qua vụ việc này, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan điều tra của bộ Công an tiếp tục phối hợp với Liên đoàn LS Việt Nam để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của LS; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật, cản trở quyền hành nghề hợp pháp của LS.
Mặt khác, Liên đoàn LS Việt Nam cũng yêu cầu các LS khi hành nghề cần phải thực hiện đúng pháp luật trong việc tham gia bào chữa; luôn có ý thức tôn trọng và phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc góp phần vào bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân và các tổ chức kinh tế xã hội.
Ngay cả luật sư, những người có hiểu biết chặt chẽ về pháp luật vẫn bị những hành vi trái pháp luật cản trở và trong trường hợp này họ trở thành "nạn nhân". Qua sự kiện trên, liệu các luật sư có thể yên tâm hơn về việc họ sẽ không còn bị gây khó dễ trong hoạt động nghề nghiệp?
Trong quá trình hành nghề, một số LS bị các cơ quan tiến hành tố tụng làm khó, gây bức xúc cho giới LS. Việc bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp cho LS không phải là công việc riêng của mỗi LS, mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Cụ thể: Khi LS bị cản trở quyền hành nghề hợp pháp, LS đó phải đấu tranh với các cơ quan tiến hành tố tụng về sự đúng đắn của mình khi tham gia vào các quan hệ tố tụng đã được pháp luật quy định và cho phép; yêu cầu các cơ quan Nhà nước tôn trọng quyền hành nghề của LS và cùng phối hợp trong công tác và hoạt động tố tụng. Luật sư hành nghề căn cứ và bám sát vào các quy định pháp luật thì đương nhiên sẽ được pháp luật bảo vệ.
Thiết lập quy chế phối hợp để bảo vệ, hỗ trợ LS hành nghề
Cụ thể khi quyền và lợi ích hợp pháp của LS bị xâm phạm, Liên đoàn sẽ làm gì để bảo vệ họ?
Liên đoàn LS Việt Nam luôn bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của LS khi quyền đó bị xâm phạm. Để bảo vệ quyền này, ngay sau khi nhận được đơn yêu cầu, thông báo của LS, Đoàn LS, các tổ chức hành nghề LS, hay những thông tin do các cơ quan truyền thông đăng tải, Liên đoàn sẽ tiến hành xác minh. Nếu thấy chính xác như thông tin phản ánh thì Liên đoàn sẽ triển khai ngay một số hoạt động hỗ trợ.
Ngoài ra, Liên đoàn cũng tích cực trong việc đề nghị ký quy chế phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng như Tòa án, Kiểm sát, Cơ quan điều tra để xây dựng cơ chế bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp cho LS một cách kịp thời, nhanh chóng, đúng luật. Cụ thể (ngày 07/6/2011), Liên đoàn LS Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp với VKSND tối cao trong việc bảo vệ và hỗ trợ cho LS khi hành nghề.
Luật sư đang tác nghiệp tại một phiên tòa.
Có ý kiến cho rằng, nhìn chung vai trò của LS còn khá mờ nhạt trước các cơ quan tiến hành tố tụng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Tôi chưa đồng tình với ý kiến này. Trong nhiều vụ án, quan hệ tố tụng, vai trò của LS không hề mờ nhạt, thậm chí họ cònå đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tìm ra sự thật khách quan, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế và đã được các cơ quan tiến hành tố tụng, xã hội thừa nhận.
Thực tế cho thấy, khi LS tham gia vào bất kỳ một vụ án và vụ việc nào trong các quan hệ tố tụng thì đều làm cho việc giải quyết và xử lý được nhanh chóng, thấu tình, đạt lý hơn. Chính LS là người luôn phải chủ động và có ý thức phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để cùng tìm ra sự thật khách quan khiến cho việc thực hiện, áp dụng pháp luật được chính xác, đúng đắn hơn.
Do đó, nhận thức vai trò của LS còn mờ nhạt là chưa thật chính xác. Tuy vậy, không loại trừ trong một số vụ việc do trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của LS còn hạn chế, yếu kém nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng. Điều đó dẫn đến việc LS bị các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu khi tham gia tố tụng.
Trước yêu cầu cải cách tư pháp, LS và nghề LS phải không ngừng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng và cộng đồng xã hội để tạo lập niềm tin với Nhà nước và xã hội. Mặt khác Nhà nước và xã hội cũng phải tạo môi trường pháp lý cho LS hành nghề để họ thể hiện được năng lực và khả năng trong hoạt động nghề nghiệp.
Đồng thời, các cơ quan có trách nhiệm cần hỗ trợ tích cực cho LS để họ có thể vượt qua được những khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp, cung cấp được các dịch vụ pháp lý có chất lượng hơn cho cộng đồng xã hội. Vì thế, chúng ta cần phải tiếp tục sửa đổi các Bộ luật về tố tụng, Luật LS để tạo môi trường thật sự thông thoáng cho LS "dụng võ".
Như vậy, quan niệm vai trò của LS còn mờ nhạt trước các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ mất dần đi. Vị thế của LS sẽ ngày càng được khẳng định trong xã hội, LS và nghề LS sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Không ít luật sư cũng cần... nhìn lại mình
Ngược lại, thời gian qua, cũng có không ít các LS có hành vi phạm pháp. Việc này ít nhiều đã ảnh hưởng đến hình ảnh của luật sư. Với tư cách là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn LS Việt Nam, ông có đánh giá gì về những vi phạm của LS trong thời gian qua?
Thời gian qua, có nhiều LS phạm pháp bị đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, ảnh hưởng xấu đến giới LS cả nước nói chung. Ngoài ra, còn có nhiều LS bị điều tiếng vì có đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa đến mức phải ra trước công đường.
Chúng tôi công khai công bố thông tin trong năm 2012, các Đoàn luật sư địa phương đã xử lý kỷ luật xóa tên 24 LS; tạm đình chỉ 3 LS; khiển trách cảnh cáo là 5 LS. Điều này cho thấy các Đoàn LS rất nghiêm túc trong việc xử lý các LS vi phạm pháp luật và vi phạm Điều lệ của Liên đoàn LS Việt Nam.
Trong quá trình hoạt động hành nghề không tránh khỏi có một số ít LS vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Đó là điều rất đáng tiếc. Liên đoàn LS Việt Nam không mong muốn điều đó và cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc quản lý LS theo chế độ tự quản.
Liên đoàn nhận thấy cần phải tăng cường hơn công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho LS... Liên đoàn đã và đang phối hợp với các Đoàn LS và các tổ chức hành nghề LS để quản lý và ngăn ngừa, hạn chế các sai sót hoặc vi phạm pháp luật của LS trong quá trình hành nghề.
Trước thực trạng đó, trong năm 2012, Liên đoàn LS Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư và hạn chế các vi phạm pháp luật của LS như: Tổ chức học tập Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS trong toàn Liên đoàn; tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp cho LS, đặc biệt là các LS trẻ, các LS mới vào nghề hoặc chuyển đổi từ nghề khác sang.
Phát động phong trào thi đua lập thành tích, đóng góp tích cực vào việc cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng, cho cộng đồng xã hội, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Các Đoàn LS một mặt tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho LS, mặt khác cũng kiên quyết xử lý các vi phạm để nâng cao chất lượng đội ngũ LS.
Ủy ban Giám sát đạo đức nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật LS của Liên đoàn phối hợp chặt chẽ với Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của các Đoàn LS để trực tiếp giải quyết, cũng như tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Liên đoàn, Ban Chủ nhiệm các Đoàn LS giải quyết thấu đáo, có tình, có lý đối với các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp hoặc vi phạm pháp luật.
Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như bộ Tư pháp, sở Tư pháp các tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề của LS, các tổ chức hành nghề LS, hạn chế tối đa các trường hợp vi phạm pháp luật của LS.
Xin cám ơn ông!
"Lĩnh đòn" vì dám gây khó dễ cho luật sư Mới đây, văn phòng LS Vạn Lý (Đoàn LS TP. Cần Thơ) đã nhận được lời mời bào chữa của gia đình Lý Văn Tập, nghi can trong vụ án giao cấu với trẻ em xảy ra vào đầu tháng 5/2012. Vì vậy, văn phòng này đã cử LS Nguyễn Văn Đức đến cơ quan CSĐT - công an huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận bào chữa theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, cơ quan CSĐT đã từ chối, không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS Đức. Hơn nữa, đại úy Thạch Rít Thi, người được phân công giải quyết vụ án còn có những lời nói xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm đối với vị luật sư này. Trước căn cứ mà Văn phòng LS Vạn Lý đưa ra, cơ quan CSĐT - công an huyện Trà Cú đã tiến hành kiểm điểm trước đơn vị đối với đại úy Thi, quyết định thay đổi điều tra viên thụ lý vụ án, đồng thời đề nghị Giám đốc công an tỉnh Trà Vinh miễn nhiệm chức danh điều tra viên trung cấp và chuyển đổi công tác khác đối với đại úy Thi. |
Thiên Long (Thực hiện)