Cần cơ chế sáng tạo hơn để thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng xanh

Cần cơ chế sáng tạo hơn để thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng xanh

Nguyễn Thị Tuyết

Nguyễn Thị Tuyết

Thứ 3, 03/01/2023 08:00

Nếu không có đủ nguồn lực và kinh phí, chúng ta khó có thể đảo ngược được suy giảm và mất đa dạng sinh học.

Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới với hàng chục nghìn loài động, thực vật trên cạn cũng như dưới nước. Tuy nhiên, sự đa dạng sinh học của Việt Nam đã bị suy giảm nhanh trong những năm gần đây do cả nguyên nhân gián tiếp và trực tiếp, gồm mất các hệ sinh thái, biến đổi khí hậu, các hoạt động kinh tế, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, buôn bán và tiêu thụ trái phép các loài hoang dã.

Việt Nam đã có nhiều chính sách, kế hoạch, nỗ lực và sáng kiến nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và ngăn chặn sự suy thoái hệ sinh thái. Nỗ lực của Việt Nam được sự ủng hộ tích cực của các tổ chức quốc tế, trong đó có Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Biến đổi Khí hậu và Môi trường, UNDP tại Việt Nam về vấn đề này.

Đa dạng hóa nguồn lực bảo vệ môi trường

Người Đưa Tin (NĐT): Đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học ngày càng lớn, Việt Nam đã đưa ra Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo ông, Việt Nam đang ở đâu trong quá trình thực hiện chiến lược này? Việt Nam có những thuận lợi và thách thức nào, thưa ông?

Ông Đào Xuân Lai: Các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao các nỗ lực của Việt Nam. Việt Nam đã ban hành Luật Đa dạng sinh học đầu tiên vào năm 2008, và song song với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, Việt Nam đưa ra các chiến lược và chính sách, cũng như các kế hoạch hành động về vấn đề đa dạng sinh học. Từ đầu năm 2022, Việt Nam đã đưa ra Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học tới năm 2030, trong đó có đưa ra các chỉ tiêu cụ thể như diện tích các khu bảo tồn rừng và biển phải đạt được vào năm 2030.

Môi trường - Cần cơ chế sáng tạo hơn để thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng xanh

Sự đa dạng sinh học của Việt Nam được xếp hạng khá cao trên thế giới nhưng đã bị suy giảm nhanh chóng trong những năm gần đây. Ảnh: UNDP

Tại Cuộc họp các bên lần thứ 15 của Công ước Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc (COP15) trong tháng 12 vừa qua tại Canada, cộng đồng quốc tế vừa thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) với 23 mục tiêu cần đạt được vào năm 2030, với tầm nhìn đạt được một thế giới sống hài hòa với thiên nhiên vào năm 2050. So với bộ 23 chỉ số này, Chiến lược Đa dạng sinh học của Việt Nam thiếu mất vài chỉ số. Do đó, Việt Nam sẽ cần rà soát và bổ sung các chỉ số này, cũng như nâng chỉ tiêu cao thêm trong quá trình thực hiện Chiến lược trong thời gian tới.

Cho đến nay, số lượng các loài động vật (các loài thú, chim bò sát, lưỡng cư, và cá), thực vật được liệt vào nhóm nguy cấp hay bị đe dọa ở Việt Nam đang ngày càng tăng lên. Trong quá trình thực hiện Chiến lược 10 năm đến 2030, Chính phủ cần xem xét phân bổ ngân sách cũng như có những giải pháp chính sách phù hợp thu hút sự vào cuộc và đóng góp tài chính từ khối tư nhân cho công tác bảo tồn đa  dạng sinh học, làm nền tảng cho phát triển bền vững nền kinh tế.

Đây là điều dễ hiểu, vì việc này đòi hỏi các cam kết chính trị không những ở trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu, cần rất nhiều kinh phí và nỗ lực chung.

Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn cam kết dành 1% chi tiêu hàng năm cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, bao gồm một dòng ngân sách cho đa dạng sinh học. Tuy nhiên, dòng ngân sách riêng này vẫn chưa được sử dụng cho vấn đề đa dạng sinh học. Để có thể đảo ngược được suy giảm và mất đa dạng sinh học, Chính phủ cần xem xét phân bổ ngân sách cũng như có những giải pháp chính sách phù hợp thu hút sự vào cuộc và và đóng góp tài chính từ khối tư nhân cho công tác bảo tồn đa dang sinh học, làm nền tảng cho phát triển bền vững nền kinh tế.

Việt Nam đã và đang nhận được các khoản viện trợ không hoàn lại quan trọng cho đa dạng sinh học từ một số quỹ quốc tế như Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF). Trong chu kỳ chương trình thứ 8 của GEF, từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2026, GEF đã phân bổ cho Việt Nam khoảng 17,7 triệu USD để thực hiện các mục tiêu về đa dạng sinh học.

GEF phân bổ sơ bộ cho Việt Nam tổng số 34,4 triệu USD cho 3 lĩnh vực Biến đổi khí hậu, Đa dạng sinh học, và Suy thoái đất. Tuy nhiên, con số này là rất nhỏ so với nhu cầu, vì hiện nay Việt Nam có 126 khu bảo tồn rừng, 16 khu bảo tồn biển, chưa kể còn các khu đất ngập nước, khu bảo tồn loài và khu dự trữ sinh quyển.  

Môi trường - Cần cơ chế sáng tạo hơn để thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng xanh (Hình 2).

Việt Nam hiện có 126 khu bảo tồn rừng, 16 khu bảo tồn biển. Ảnh: UNDP

NĐT: Vấn đề tài chính cũng được cho là rào cản lớn nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26. Chúng ta cần làm gì để vượt qua rào cản này, thưa ông?

Ông Đào Xuân Lai: Vấn đề tài chính đúng là trở ngại rất lớn. Trong đàm phán Biến đổi khí hậu, từ năm 2009, các nước phát triển đã cam kết huy động khoảng 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi nền kinh tế sang phát thải ít carbon và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, bắt đầu từ năm 2020. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), số tiền huy động được cho đến năm 2020 là khoảng 83,3 tỷ USD, chưa đủ 100 tỷ USD. Mốc 2020 cũng đang được đẩy lại vào năm 2023, nhưng cũng chưa chắc liệu mục tiêu này có đạt được hay không.

Trong khi đó, quốc tế đang thúc giục các nước đang phát triển như Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời, vì kinh tế Việt Nam hiện đang phụ thuộc khá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than. Thế nhưng, mỗi dự án điện gió hay điện mặt trời đòi hỏi vốn đầu tư hàng tỷ USD. Nếu không có đủ kinh phí, Việt Nam khó có thể đáp ứng được cam kết phát thải ròng về 0.

Tháng 12/2022 cũng đón nhận các thông tin tốt về tài chính cho Đa dạng sinh học, các cam kết cụ thể trong Khung Đa dang sinh học toàn cầu, bao gồm: Đến năm 2030 huy động ít nhất 200 tỷ USD/năm, bao gồm Tăng tổng nguồn tài chính quốc tế liên quan đến đa dạng sinh học từ nước phát triển… để các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất và các đảo nhỏ, các quốc gia đang phát triển, cũng như các quốc gia có nền kinh tế đang chuyển đổi, ít nhất là 20 tỷ USD/năm vào năm 2025 và tối thiểu 30 tỷ USD/năm vào năm 2030; “Đến năm 2025 và loại bỏ, loại bỏ dần hoặc cải cách các biện pháp khuyến khích, bao gồm trợ cấp có hại cho đa dạng sinh học, một cách tương xứng, công bằng, hiệu quả và cách công bằng, đồng thời giảm đáng kể và dần dần ít nhất 500 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030…”

NĐT: Mới đây Việt Nam và khối G7+ đã đạt được một thoả thuận quan trọng trong việc huy động nguồn tài chính để phục vụ vào việc phát triển năng lượng, ông đánh giá sao về thoả thuận này?

Ông Đào Xuân Lai: Việc đạt được Thỏa thuận “Đối tác Chuyển đổi Năng lượng công bằng (JET-P)" giữa Việt Nam và Các nước Công nghiệp phát triển G7, EU, Đan Mạch và Na Uy giữa tháng 12 vừa rồi là tín hiệu tích cực. Theo đó, các nước phát triển sẽ giúp Việt Nam huy động các khoản vay ưu đãi hơn các khoản vay mà Việt Nam có thể huy động được từ thị trường tài chính quốc tế.

Như vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần chủ động, tích cực làm việc với các nước đối tác để huy động tài chính quốc tế, đồng thời tạo ra cơ chế sáng tạo hơn để thu hút đầu tư từ khối tư nhân. Hiện tại, vốn đầu tư FDI vào nước ta vẫn đang tăng trưởng rất tốt. Chúng ta có thể kêu gọi các tập đoàn nước ngoài đầu tư FDI vào các dự án điện gió, điện mặt trời.

Môi trường - Cần cơ chế sáng tạo hơn để thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng xanh (Hình 3).

Mỗi dự án điện gió hay điện mặt trời đòi hỏi vốn đầu tư hàng tỷ USD, đây là bài toán khó đối với Việt Nam. Ảnh: UNDP

 

Doanh nghiệp chưa tính đến chi phí bảo vệ môi trường

NĐT: Chính phủ Việt Nam luôn đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. UNDP đã có những hỗ trợ như thế nào để Việt Nam thực hiện mục tiêu trên, thưa ông?

Ông Đào Xuân Lai: Việc đầu tiên là kiện toàn những chính sách cũng như đảm bảo thực thi các vấn đề pháp luật chặt chẽ hơn, đảm bảo các dự án có các đánh giá đầy dủ các tác động có thể đến môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, đồng thời đảm bảo rằng các nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm nhẹ hay bù đắp các tác động đến môi trường.

Hiện nay, các chi phí môi trường, xã hội, sức khỏe không được tính đến đầy đủ trong các dự án về kinh tế ở Việt Nam, nên con số về lợi ích kinh tế có vẻ rất cao. Nếu như tính được hết chi phí môi trường, đặc biệt là suy thoái đa dạng sinh học, các tác hại với sức khỏe người dân, cũng như các chi phí về y tế và môi trường, thì lợi ích kinh tế có thể rất nhỏ, thậm chí là âm. Ví dụ tác động về sức khỏe và chi phí y tế và các vấn đề xã hội mà người dân phải chịu do khí thải từ các nhà máy ô nhiễm môi trường như điện than, khu xử lý rác thải gây ra.

Đây là thời điểm cần thay đổi, cần có sự đồng lòng và hợp tác của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, người tiêu dùng đòi hỏi các sản phẩm phải được sản xuất, chế biến, đóng gói, và vận chuyển ít tạo ra tác động môi trường nhất – như dấu chân carbon thấp, và các thị trường khó tính như EU đã và đang đưa ra các rào cản về thuế cacbon xuyên biên giới để áp vào hàng hóa nhận vào EU, hay không nhập các sản phẩm nông được trồng trên đất được chuyển đổi từ đất rừng. Chính vì thế các doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi, chuẩn bị tốt nhất cho mình và hàng hóa của mình.

Trong bối cảnh đó, UNDP cùng với các bộ ngành và  địa phương thúc đẩy các các cơ chế tài chính linh hoạt sáng tạo để lôi kéo thu hút và hợp tác với các đối tác tư nhân, cũng như với người dân để mọi thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý tài nguyên thiên nhiên, từ đó giúp bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái ở Việt Nam.

Một trong những điểm mới là UNDP đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các cơ quan khác để đưa khái niệm Kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn cũng đã được đưa vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam.

Môi trường - Cần cơ chế sáng tạo hơn để thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng xanh (Hình 4).

UNDP đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường để đưa khái niệm Kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Ảnh: UNDP

Kinh tế tuần hoàn giúp giảm đáng kể việc khai thác tài nguyên. Từ trước đến nay, chúng ta theo mô hình phát triển kinh tế tuyến tính, trong đó chúng ta khai thác tài nguyên để sản xuất ra thực phẩm, đồ dùng gia đình, hay vật liệu xây dựng, v.v. Sau khi khai thác xong, đồ dùng lại được đưa ra bãi rác.

Tuy nhiên, những chất thải như sắt, thép hoàn toàn có thể tái chế và đưa vào quy trình sản xuất mới, giúp cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Việc này rất quan trọng, và hiện nay chúng tôi vẫn đang hỗ trợ thực hiện những giải pháp như vậy.

NĐT: UNDP đã và đang triển khai nhiều dự án về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu ở Việt Nam, bao gồm dự án quy hoạch không gian biển quốc gia. Theo ông, những dự án này đóng góp như thế nào vào nỗ lực bảo vệ môi trường cũng như sự phát triển kinh tế của Việt Nam?

Ông Đào Xuân Lai: Chúng tôi đã có những dự án như giúp bảo tồn các ngân hàng gen cho nông nghiệp. Việc phát triển nông nghiệp thường dẫn đến sự thay đổi môi trường, hệ sinh thái, do đó chúng ta phải giữ lại được gen của các loại cây, như giống lúa chịu hạn, chịu mặn, hay các loài động vật bản địa. Ngân hàng gen được bảo tồn cả tại thực địa và trong kho ngân hàng gen để sử dụng cho tương tai.

UNDP cũng vừa ký kết một dự án quy hoạch không gian biển, hợp tác cùng Na Uy. Kinh tế Việt Nam đang dần dần phải dựa vào kinh tế biển để đa dạng hóa các nguồn lực thiên nhiên. Trong những năm gần đây, du lịch biển đã nổi lên rất mạnh. Rất nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng được xây dọc bờ biển của các địa phương, và việc vận hành du lịch biển như vậy đều dựa vào hệ sinh thái biển.

Môi trường - Cần cơ chế sáng tạo hơn để thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng xanh (Hình 5).

UNDP và Đại sứ quán Na Uy vừa ký thỏa thuận hỗ trợ quy hoạch không gian biển quốc gia tại Hà Nội. Ảnh: UNDP

Những năm qua, chúng ta cũng đã nói nhiều đến cơ hội điện gió gồm điện gió ven biển, điện gió gần bờ cũng như điện gió ngoài khơi. Việt Nam có thể trở thành một trong những cường quốc về điện gió ngoài khơi, vì chúng ta có trên 3.000 km bờ biển. Trong thời gian tới, UNDP sẽ cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá kỹ lại tiềm năng điện gió ngoài khơi. Việt Nam cũng như các nước ASEAN đang tính đến việc kết nối điện với các nước trong khu vực, và chúng ta hoàn toàn có tiềm năng xuất khẩu điện gió ngoài khơi.

UNDP đang triển khai rất nhiều dự án tại Việt Nam trong các lĩnh vực như đa dạng sinh học, quy hoạch điện gió, kinh tế tuần hoàn hay bảo vệ môi trường, quản lý chất thải, rác thải nhựa đại dương.

Cùng với nhiều bộ ngành, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, v.v., chúng tôi đang nỗ lực để cùng với Việt Nam phát triển kinh tế, giảm thiểu các tác động làm suy thoái đa dạng sinh học cũng như là môi trường ở Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.