Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, chiều 22/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật Quốc phòng (sửa đổi).
Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Quốc phòng (sửa đổi) của ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã gửi tới đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Dự thảo Luật đã thể chế hóa được các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những bất cập trong thực hiện luật hiện hành và bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đề nghị ban Soạn thảo rà soát, sửa đổi một số nội dung dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn như: Chính sách của Nhà nước về quốc phòng; Công nghiệp quốc phòng; Kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội; Giáo dục quốc phòng an ninh; Phạm vi điều chỉnh Luật…
Chính sách của Nhà nước về quốc phòng, có ý kiến đề nghị thay đổi một số cụm từ “quốc phòng, quân sự” bằng cụm từ “nền quốc phòng toàn dân”; có ý kiến đề nghị rà soát lại điều này để tránh chồng chéo và bổ sung quy định về chính sách đối với công dân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý một số nội dung điều này; đồng thời, đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định: “Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; có chính sách đặc thù ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng chiến lược, trọng điểm, địa bàn xung yếu về quốc phòng”.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Nguyệt (tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung để cụ thể hóa các chính sách trong dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, chính sách Nhà nước về quốc phòng cần có chính sách đặc thù riêng cho những quân nhân công tác ở biên giới, hải đảo, các vùng khó khăn.
Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho quân nhân và gia đình họ trong việc điều chuyển công tác đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; nghiên cứu việc mở rộng tuyển sinh, đào tạo đối tượng tham gia quốc phòng.
Về chính sách hậu phương quân đội, đại biểu cũng cho rằng, dù trong thời bình hay thời chiến thì chính sách hậu phương quân đội cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên trong vấn đề này, quy định trong dự thảo Luật còn hạn chế. Vấn đề hậu phương quân đội hiện nay chủ yếu là phụ nữ người già. Chính vì vậy, dự thảo Luật cần có chính sách cụ thể, quy định chi tiết hơn nữa về vấn đề này trong dự thảo Luật Quốc phòng.
Về thiết quân luật và giới nghiêm, một số ý kiến cho rằng, vấn đề này giao Chính phủ quy định là không phù hợp. UBTVQH cho rằng, các biện pháp liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân khi thực hiện lệnh thiết quân luật và giới nghiêm đã được quy định cụ thể. Còn các nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết không điều chỉnh về việc hạn chế quyền con người, quyền công dân.
Theo đại biểu Trương Anh Tuấn (tỉnh Nam Định), cần quy định rõ giới nghiêm là biện pháp quản lý đặc biệt của Nhà nước nhằm hạn chế người phương tiện đi lại, hoạt động vào thời gian nhất định tại những khu vực nhất định. Quy định như vậy để nhấn mạnh việc giới nghiêm là hạn chế quyền con người. Vì vậy cần xem xét thận trọng áp dụng khi cần thiết.
Theo đại biểu, trong dự thảo Luật có dùng từ “lệnh giới nghiêm”, cần phải thay cụm từ lệnh giới nghiêm bằng “quyết định giới nghiêm” để việc ban bố giới nghiêm phù hợp với quy định tại Điều 4 của Luật quy định ban hành văn bản.
Về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, có ý kiến cho rằng, quy định “Bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phải được bộ Quốc phòng và cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ phối hợp thẩm định” là quá rộng, cần quy định những nguyên tắc hoặc quy mô dự án để dễ thực hiện.
UBTVQH cho rằng, quy định tại dự thảo Luật là cơ bản kế thừa luật Quốc phòng hiện hành, đồng thời đã được nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, tránh bỏ sót nhằm hạn chế những tồn tại, vướng mắc, vì qua thực hiện thẩm định mới biết được việc liên quan đến quốc phòng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án về kinh tế - xã hội. Do đó, đề nghị giữ như dự thảo Luật.
Nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của UBTVQH, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật đã thể chế được quan điểm Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, bảo đảm sự thống nhất của các văn bản hiện có.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo về dự án luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Về dự án luật Cảnh sát biển Việt Nam, thừa uỷ quyền của Chính phủ, Bộ trưởng bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động… của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008; đồng thời bổ sung, làm rõ hơn các vấn đề về vị trí “nòng cốt, chủ trì thực thi pháp luật trên biển” của lực lượng cảnh sát biển.
Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam như quy định trong dự thảo Luật đã đảm bảo tương đồng với chức năng của cảnh sát biển các quốc gia khác. Dự thảo Luật đã quy định về lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng thực thi pháp luật trên biển bằng văn bản luật, giao cho lực lượng này các sứ mệnh, trọng trách bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt nhận định, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết đánh giá việc thực hiện Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) năm 2008, về cơ bản đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của lực lượng CSBVN hiện nay.
Dự án Luật có tính khả thi cao, đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013, cơ bản bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với các Điều ước quốc tế có liên quan.
Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam