Trên thực tế, không ít bị cáo khi ra hầu tòa đã tố cáo việc mình bị bức cung, bị nhục hình nên mới buộc phải nhận tội. Thế nhưng, trước những lời tố cáo đó, câu hỏi của HĐXX bao giờ cũng là: "Bị cáo tố cáo bị điều tra viên bức cung, đánh đập buộc phải nhận tội. Vậy bị cáo có chứng cứ gì không? Có ghi âm được không? Hay có người làm chứng không? Có vết thương không?". Đương nhiên là bị cáo không thể có. Vào trại tạm giam, đến một cái kim cũng bị thu giữ, nói gì máy ghi âm? Khi hỏi cung, chỉ có điều tra viên với nghi can trong một căn phòng. Hai bên mặt đối mặt, làm gì còn ai nữa mà nói đến việc có người làm chứng?
Với những người làm công tác điều tra, chẳng điều tra viên nào dại dột đến mức để lại thương tích vĩnh viễn cho nghi can. Nhiều người vẫn thường xì xầm, công an mà đánh thì đau đến chết đi sống lại nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy vết thương (?!). Với những chứng tích nhục hình trên phần mềm của nghi can thì đến khi ra tòa, chúng đã biến mất. Do đó, hầu hết những lời tố cáo bị dùng nhục hình của bị cáo đều bị HĐXX buông một câu gọn lỏn là "không có căn cứ". Và kết cục là dẫn đến oan, sai.
LS. Trần Văn An.
Nói như lời PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, chủ nhiệm khoa Luật (ĐH Kinh tế TP.HCM) thì ở đời, ai chẳng mắc sai lầm. Nhận định nhầm thì suy đoán cũng nhầm, điều tra nhầm thì cáo trạng cũng nhầm, cáo trạng nhầm thì buộc tội cũng nhầm, buộc tội nhầm thì tuyên án cũng nhầm. Sợi dây hàm oan nhiều vòng ấy siết lấy nghi can nên có kêu trời cũng khó thấu!
Trao đổi với PV, luật sư (LS) Trần Văn An, trưởng VP LS Dân An (đoàn LS tỉnh Bắc Giang) nhận định, trong hoạt động tố tụng, oan, sai là không thể tránh được chỉ có điều nhiều hay ít. Phải khẳng định, để xảy ra oan, sai là điều không ai mong muốn nhưng trên thực tế có những vụ oan, sai mang tính chủ quan của người làm công tác điều tra. Điều quan trọng là phải tuyệt đối loại trừ những oan sai theo hướng chủ quan và hạn chế thấp nhất những vụ án oan, sai do khách quan mang lại.
Theo LS An, khi ra tòa, khi bị cáo trình bày về việc bị bức cung, nhục hình, thì dù có đưa ra được chứng cứ vật chất hay không, HĐXX vẫn phải xem xét. Căn cứ vào hồ sơ việc bị cáo kêu oan đúng hay sai, đối chiếu với các tài liệu chứng cứ khác nếu có cơ sở phải ra quyết định hoàn hồ sơ. "Theo khoa học pháp lý, bị cáo có quyền chứng minh mình vô tội, nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh. Việc này thuộc nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc bị cáo cho rằng mình bị bức cung, nhục hình cũng là một trong những nguồn chứng cứ chứng minh bị cáo bị oan, do đó khi họ kêu oan, HĐXX không được hỏi "Chứng cứ đâu" mà phải xem xét đối chiếu làm rõ. HĐXX không thể bắt bị cáo tự chứng minh", LS An nhấn mạnh.
Cũng trao đổi với PV, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn như giọt nước tràn ly, phơi bày hàng loạt bất cập, sai phạm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều trường hợp dùng nhục hình là do nghiệp vụ kém. Nhưng cũng nhiều trường hợp dùng nhục hình là do muốn gán tội cho người ta để đóng án, báo công, thậm chí để che giấu sự thật. Theo GS Thuyết, đã đến lúc phải thành lập một cơ quan điều tra độc lập, và có chế tài buộc các HĐXX phải dừng phiên tòa để cơ quan điều tra đó làm rõ bị cáo có bị nhục hình, bức cung hay không, mỗi khi họ tố cáo trước tòa.
Năng lực của CQĐT chưa bao trùm hết Trước luồng ý kiến cho rằng, dường như chỉ khi nạn nhân bị tử vong cơ quan điều tra mới chịu khởi tố, LS An nhận định, thực tế có nhiều vụ án bị hại không chết, nhưng người tiến hành tố tụng đã bị khởi tố. Hiện có một tồn tại là năng lực của cơ quan điều tra chưa bao trùm hết được. Nhiều khi niềm tin nội tâm của điều tra viên quá cao, mặc định nghĩ rằng ông này có tội nên cứ điều tra theo hướng đó. Rồi lý do khách quan, sức ép thành tích... "Theo tôi, nếu lãnh đạo cơ quan điều tra thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ thì đã không xảy ra án oan. Nếu cứ "khoán" cho một hai điều tra viên mà không kiểm tra sẽ khó tránh sai sót", vị này nói thêm. |
Phan Tuấn - Anh Đức