'Cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng'

'Cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng'

Thứ 6, 15/02/2013 14:08

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng, việc có luật về sự lãnh đạo của Đảng là phù hợp với tư duy về nhà nước pháp quyền. Đảng vẫn giữ quyền lãnh đạo nhưng không làm thay Quốc hội, không làm thay Chính phủ.

- Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định tới 9 nội dung cơ bản của việc sửa đổi. Theo ông, vấn đề mấu chốt nhất là gì?

- Việc đưa ra được 9 nội dung cơ bản của việc sửa đổi là một cố gắng lớn của Uỷ ban. Nhiều nội dung đã được nghiên cứu công phu, có lập luận rõ ràng, chắc chắn sẽ được ủng hộ cao như Điều 54 về sự bình đẳng của các thành phần kinh tế.

Trong toàn bộ bản Hiến pháp lần này, tôi cho rằng, vấn đề mấu chốt nhất là xác định rõ mối quan hệ quyền lực giữa Đảng và các cơ quan nhà nước, giữa Đảng và người dân. Điều 4 về sự lãnh đạo của Đảng, trong dự thảo lần này bổ sung thêm nội dung ở Khoản 2 (Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình) là đúng. Nhưng nếu chỉ dừng ở đấy thôi thì chỉ như một khẩu hiệu và chưa có cơ chế nào để đảm bảo sự giám sát của nhân dân cũng như đảm bảo Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân.

- Theo ông, việc thực thi Điều 4 Hiến pháp năm 1992 có vướng mắc, trở ngại gì trong thực tế?

- Do ngoài việc quy định như trong Điều 4 của Hiến pháp thì không có một văn bản pháp luật nào khác quy định về sự lãnh đạo của Đảng nên việc thực hiện điều này tùy thuộc vào từng nhiệm kỳ và tuỳ theo ý chí của từng đồng chí lãnh đạo.

Luật sư - 'Cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng'Theo ông Vũ Mão, vấn đề mấu chốt nhất của việc sửa Hiến pháp là xác định mối quan hệ quyền lực giữa Đảng và các cơ quan nhà nước, giữa Đảng và người dân. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Tôi lấy ví dụ, ở nhiệm kỳ khoá VI, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nêu quan điểm: Bộ Chính trị còn bận rất nhiều công việc lớn nên chỉ những vấn đề thuộc đường lối chủ trương trong hoạt động của Quốc hội mới thảo luận ở Bộ Chính trị. Như vậy, Hội đồng Nhà nước chủ động bàn và đưa ra Quốc hội quyết định. Đồng chí Võ Chí Công, Ủy viên Bộ Chính trị, được phân công làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước Đảng. Tôi cho nhiệm kỳ đó là hài hòa và thông thoáng nhất về mối quan hệ giữa Đảng với Quốc hội. Tôi hiểu khi đó Chính phủ cũng như thế.

Nhưng sang Trung ương Đảng khóa 7 thì khác, sau khi đồng chí Nguyễn Văn Linh nghỉ, rất nhiều vấn đề luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội phải đưa ra để Bộ Chính trị xem xét, có kết luận thì mới được thực hiện. Quy trình này không chỉ gây nên tình trạng chậm trễ mà nhiều vấn đề khi đưa ra Quốc hội bàn rất khó vì đã có kết luận của Bộ Chính trị rồi. Tôi cho như vậy là không nên.

- Để khắc phục hạn chế đó, theo ông, Điều 4 cần được bổ sung như thế nào?

- Nếu chúng ta nhận thức sâu sắc và có tư duy về Nhà nước pháp quyền thì việc có Luật về sự lãnh đạo của Đảng là hoàn toàn cần thiết. Tôi nhớ lại trong những lần trao đổi kinh nghiệm với lãnh đạo Quốc hội Trung Quốc, các đồng chí cho biết: Thời kỳ Đại Cách mạng văn hoá đã gây ra biết bao thảm hoạ, bởi khi đó quản lý nhà nước theo “nhân trị”, đến năm 1971 thì Trung Quốc quyết tâm chuyển sang xây dựng nhà nước “pháp trị”. Có nghĩa là phải xây dựng nhà nước pháp quyền với hệ thống pháp luật đầy đủ.

"Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp này như là một cơ quan bảo hiến là cần thiết. Tuy nhiên, điều tôi còn băn khoăn là thành phần Hội đồng này như thế nào. Hội đồng cần có nhiều thành phần khác ngoài đại biểu Quốc hội. Họ có thể là nhà chính trị, luật gia, kinh tế, nhất là các đồng chí từng trải, có nhiều kinh nghiệm, đã nghỉ hưu, còn sức khoẻ, có thời gian tham gia. Số đại biểu Quốc hội nên giữ ở mức không quá 50%, vì đại biểu còn làm nhiệm vụ nặng nề khác".

Như vậy, muốn đổi mới đất nước ở lĩnh vực nào thì phải xây dựng đầy đủ các văn bản pháp luật ở lĩnh vực đó thì mới có điều kiện quản lý và thực thi pháp luật.

Trong Nhà nước pháp quyền, nội dung lãnh đạo của Đảng cần được quy định rõ. Việc có được một đạo luật về sự lãnh đạo của Đảng là một đòi hỏi khách quan. Trong đạo luật ấy, nội dung lãnh đạo của Đảng là gì, mối quan hệ với Quốc hội, với Chính phủ, với các cơ quan tư pháp cần được làm rõ.

Một việc làm đơn giản mà rất có ý nghĩa là thêm cụm từ "do luật định" vào nội dung mới được bổ sung: "Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân cũng như chịu trách nhiệm về những quyết định của mình do luật định". Viết như thế có nghĩa là, sau khi bản Hiến pháp mới được thông qua, sẽ có luật quy định về sự lãnh đạo của Đảng. Luật đó quy định rõ nội dung lãnh đạo của Đảng, phạm vi lãnh đạo đến đâu; đồng thời quy định về cơ chế giám sát của nhân dân cũng như cơ chế chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Phân tích như vậy, thấy rằng quy định này không những không "bó tay" Đảng mà càng làm sáng tỏ vai trò của Đảng, nâng cao uy tín của Đảng. Vấn đề quy định cụ thể nội dung về sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề nhạy cảm, không cẩn thận thì dễ bị chụp mũ. Nhưng tôi tin rằng, chúng ta sẽ cởi mở trình bày có chiều sâu những nghiên cứu của mình để mọi người được thảo luận là điều rất cần trong đời sống chính trị của đất nước.

- Từng là Ủy viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để có bản Hiến pháp năm 1992, ông thấy vấn đề này được đặt ra như thế nào cách đây 20 năm?

- Năm 1992, trong bức thư gửi Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã đề nghị nghiên cứu để có một đạo luật về sự lãnh đạo của Đảng. Ngay từ lúc ấy tôi cũng có chung quan điểm này. Đồng chí Lê Quang Đạo đã phân tích, nếu có luật để cụ thể hóa điều này, định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức Đảng đối với Nhà nước, đối với nhân dân thì mới có căn cứ đầy đủ về luật pháp, vừa phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng, vừa ngăn chặn tình trạng coi như quyền lãnh đạo của Đảng là vô giới hạn, đi đến lạm quyền, lộng quyền, ảnh hưởng xấu đến vai trò và uy tín của Đảng.

Thực ra, loại ý kiến này không phải là quá mới mẻ, trước đây có nhiều người đã nghĩ như vậy. Đơn cử như Chủ tich Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ (giai đoạn 1981-1987), một luật gia nổi tiếng đã mong muốn như thế. Khi sửa đổi Hiến pháp 1980 vấn đề này cũng tranh cãi rất nhiều nhưng rồi bị gác lại vì chưa có điều kiện bàn bạc.

Sự nghiệp đổi mới đã diễn ra gần 30 năm và đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc bởi vấn đề phân công quyền lực trong hệ thống chính trị vẫn chưa được làm rõ nên đã hạn chế những kết quả đạt được.

Ông Vũ Mão: "Tôi nhất trí việc trước khi dự thảo trở thành Hiến pháp chính thức phải để cho người dân phúc quyết. Dù chúng ta chưa chủ trương nhưng bây giờ làm vẫn là chưa muộn và có thể làm được. Làm việc này cũng là theo đúng tinh thần của Bác Hồ và theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 1946 là trưng cầu ý dân về những vấn đề quan trọng và toàn bộ bản Hiến pháp. Quy định như vậy nhằm để người dân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước trong việc thông qua Hiến pháp.

Bên cạnh đó, với việc thay đổi nhiều chương mục, sửa đổi, bổ sung gần 100 điều và thêm 11 điều mới, tức là sửa đa phần, thì tôi cho rằng nên đặt tên mới cho bản Hiến pháp. Nên chủ động gọi là Hiến pháp 2013 hoặc Hiến pháp 2014 tùy theo thời điểm công bố".

Nguyễn Hưng (VnExpress)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.