Chẩn đoán bệnh thậm chí cũng không đúng!
Trong thời gian qua có nhiều ca bệnh nguy hiểm, vượt quá khả năng trình độ của đội ngũ y tế cơ sở, người nhà bệnh nhân mong muốn chuyển viện nhưng không được. Không ít trường hợp bệnh nhân tử vong gây bức xúc dư luận, ông đánh giá sao về hiện tượng này?
Tâm lý của bệnh nhân muốn bảo vệ sức khỏe và tính mạng nên họ muốn đi thẳng lên tuyến trên để điều trị cho chóng khỏi và an toàn. Tuyến trên tập trung phương tiện, bác sỹ giỏi và BHYT cũng khá hơn tuyến dưới. Mọi điều kiện phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Từ đó xảy ra bệnh viện quá tải. Trong khi đó tuyến dưới thì các phương tiện kém, không đầy đủ. Đặc biệt trình độ thầy thuốc cũng hạn chế. Rồi nhũng nhiễu, vòi vĩnh cũng gây phiền hà cho bệnh nhân. Mặc dù bản thân và người nhà bệnh nhân không muốn đi xa vượt tuyến vừa vất vả, tốn kém mà ăn ở nhếch nhác nhưng vì tuyến dưới phục vụ nó không được chu đáo và không đủ tin tưởng dễ dẫn đến sự cố, tính mạng không được đảm bảo, thuốc men điều trị cho bệnh nhân không tương xứng với bệnh. Phỏng đoán bệnh thậm chí cũng không đúng khiến cho bệnh nhân chết oan do ảnh hưởng của cách thức và trình độ điều trị cho nên BHYT nếu chiều theo người bệnh có nơi quá tải, có nơi không có bệnh nhân, phá vỡ quỹ BHYT. Chính vì thế trong quy định hiện nay, BHYT phân cấp cho các bệnh viện, các cơ sở điều trị BHYT các tuyến để quản lý bệnh nhân. Và được xem là một trong biện pháp chống quá tải bệnh viện.
Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông.
Như ông nói, bệnh nhân có đăng ký BHYT ở các tuyến cơ sở đang có quá nhiều vấn đề?
Thực tế vừa qua, xảy ra tình trạng bệnh nhân bức xúc khi có trường hợp bệnh quá nặng, dưới không có khả năng điều trị nhưng cứ giữ bệnh nhân lại để tính BHYT. Và xu thế chạy theo tiền thanh toán BHYT, thậm chí tăng các xét nghiệm, "nhân bản" những xét nghiệm không cần thiết để tính tiền BHYT thực tế đã được phát hiện. Có tình huống, bệnh viện tuyến dưới vận động bệnh nhân nằm nội trú để thu tiền. Đến khi cho thuốc lèo tèo một số loại thông thường vì nếu cho quá thì sẽ quá quy định của BHYT. Thành ra bệnh lẽ ra phải có thuốc tốt điều trị lại không có nên bệnh nhân lâm vào cảnh lâu khỏi. Thực tế có viện dự báo không đúng bệnh, giữ người ta lại cơ sở để điều trị khiến bệnh nặng lên có thể đến tử vong. Đây là một thực tế diễn ra ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.
Bệnh nhân mất lòng tin!
Hệ quả của thực tế này ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân ra sao, thưa ông?
Thực tế này dẫn đến hai xu hướng, có những bệnh nhân người ta chưa nặng lắm nhưng không tin tưởng tuyến cơ sở cũng muốn lên tuyến trên. Nhưng cũng có bệnh nhân mà tuyến dưới không chữa khỏi được mà người nhà muốn chuyển lên những bệnh viện tuyến dưới cố giữ lại không cho chuyển. Có trường hợp không đi đúng tuyến, bệnh nhân phải chịu chi phí không được thanh toán bảo hiểm. Những gia đình có điều kiện kinh tế, họ cũng chẳng cần đi đúng tuyến mà đi thẳng tự chi phí. Nhưng có bệnh nhân không có điều kiện thanh toán thì họ phải theo tuyến của BHYT. Thực tế này khiến không ít bệnh nhân bị chết oan, hoặc bệnh nặng thêm. Đây là một vấn đề đang bất cập, nhân dân cũng có ý kiến rất nhiều.
Cụ thể ý kiến của người dân ra sao, thưa ông?
Hiện nay, người có BHYT đi đến bệnh viện không được đối xử tốt bằng những người điều trị tự nguyện. Trong phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cũng có ủy viên thẳng thắn chỉ ra thái độ của nhân viên y tế với người có bảo hiểm là chưa tốt. Có thẻ bảo hiểm đến bệnh viện nhưng điều trị và cho thuốc không đúng mực nên có người đi ra ngoài mua thuốc khác điều trị thêm. Có người không có điều kiện mua thuốc ngoài khiến bệnh kéo dài, nặng thêm dẫn đến người dân mất lòng tin với BHYT ngày càng trầm trọng. Điều đó cho thấy vướng mắc, bất cập trong KCB bằng BHYT đang tồn tại, nếu như không có biện pháp giải quyết nó sẽ thành bức xúc của xã hội vì những người có BHYT đáng lẽ ra phải được phục vụ chu đáo nhưng lại có nhiều hạn chế trong thực tế không đáp ứng được yêu cầu nên họ mất niềm tin.
Với các trường hợp bệnh nặng trước sự nhập nhèm trách nhiệm của bệnh viện về các trường hợp tử vong liên quan đến sự yếu kém chuyên môn, không chuyển viện hay do bệnh quá nặng. Vậy phải chăng cần có một tổ chức độc lập để đánh giá về các trường hợp này?
Hiện nay bệnh tật trong khám điều trị thuộc công việc đòi hỏi chuyên môn cao của ngành y. Không phải ai cũng hiểu được bệnh, đánh giá được bệnh đúng sai trong vấn đề KCB. Chính vì thế khi có các trường hợp có sự cố, tử vong thì gia đình đổ cho nguyên nhân do bệnh viện, thầy thuốc thiếu trách nhiệm nên dẫn đến tử vong. Nhưng đến khi giải quyết thì bệnh viện lại cho mình không sai mà do bệnh tật không thể cứu được. Đây là vấn đề chủ quan của mỗi bên nên xảy ra nghi ngờ. Theo cá nhân tôi để làm rõ đúng sai, trách nhiệm của mỗi bên. Nếu có một cơ quan, đơn vị điều tra độc lập làm rõ được điều đó để xác định được trách nhiệm rõ của bệnh viện, trả lời các câu hỏi, thắc mắc của công luận, người nhà bệnh nhân là rất tốt trong bối cảnh hiện nay. Khi có đơn vị độc lập này, bệnh viện, bác sỹ cũng phải đề cao trách nhiệm không được chủ quan, không xem thường, tác trách, vô cảm với tính mạng bệnh nhân.
Xin cảm ơn ông!
Hương Lan - Đỗ Thơm - Hoàng Anh