Phần lớn đối tượng mà họ sẽ lấy làm chồng đều xuất thân từ những quốc gia có nguồn gốc Á Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaixia,… Thiết nghĩ, những người đàn ông không thể tìm được ý trung nhân trên đất nước mình, phải tìm đến một đất nước khác xa xôi không phải với mục đích "cải tạo nòi giống" mà chỉ là chuyện cực chẳng đã. Với tiềm lực kinh tế của mình, họ không thể cưới được một người phụ nữ ở quê hương. Tất nhiên, kết hôn với những người đàn ông này, các cô gái không thể nào có cảnh "ngồi mát ăn bát vàng" như trong những viễn cảnh mà các trung tâm, những người môi giới vẫn vẽ ra cho họ. Nói một cách công bằng, không phải những cô gái này không lường hết sự thực đằng sau những lời mật ngọt, tại sao họ vẫn chấp nhận đưa chân?
> Bài trước: Phụ nữ biến thành món hàng cho người nước ngoài tuyển vợ
Cận cảnh những buổi tuyển cô dâu một cách quy mô và bài bản cho người nước ngoài cũng đã nhiều lần được các phương tiện thông tin đại chúng dẫn ra. Đơn giản và hợp pháp thì từ một hai chục cho đến vài chục cô gái cùng xuất hiện tại một địa điểm, cũng phải thi đi đứng, nói năng, phỏng vấn, ăn mặc như một buổi… trình diễn thi "hoa hậu". Đó là nói một cách ngoa ngoắt, nhưng khi "điểm mặt dung nhan" của các ứng cử viên dự tuyển cô dâu cũng như những người nước ngoài có nhu cầu tìm vợ cùng chen chúc, chờ đợi mòn mỏi trong một không gian chật hẹp và căng thẳng, tôi không khỏi liên tưởng tới những cái chợ người xuất hiện trong các tác phẩm trước cách mạng của Tam Lang. Phụ nữ trở thành những món hàng để các ông chủ ngoại quốc và các nhà môi giới cân đo đong đếm "chất lượng". Nghiệt ngã hơn, có những cảnh tuyển dâu trái phép bị phanh phui khiến không ít người phải phẫn nộ: Cảnh những cô gái trẻ xếp hàng, bị lột trần ra với đủ các tư thế uốn éo, cố gắng phơi bày hết những nét xuân thì của mình trước những người đàn ông già có, trung tuổi có, thanh niên cũng có. Tiếc thay, chỉ tính con số bị phát hiện, những buổi tuyển vợ "trần" như thế không ít.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên chủ nhiệm uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Bày tỏ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên chủ nhiệm uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã bức xúc: Việc quản lý dịch vụ môi giới hôn nhân với người nước ngoài cần phải có một cơ chế và những quy định rõ ràng hơn. Trước kia, điều kiện kết hôn với người nước ngoài còn khó khăn nhưng những năm trở lại đây, do nhu cầu tìm hiểu và kết hôn chính đáng của người dân với người nước ngoài, luật pháp đã trở nên cởi mở hơn. Cùng với ước mơ xuất ngoại của những cô gái trẻ nghèo, nhiều đối tượng đã tận dụng cơ hội, biến phụ nữ thành những "món hàng" đắt giá. Có những cô khi đã đặt chân đến xứ người mới đắng cay thân phận làm vợ chung cho cả gia đình chồng, làm người hầu, đầy tớ cho những người chồng già nua, bệnh tật, bị đánh đập, bỏ đói, bị lăng mạ về nhân phẩm,… người may mắn thì tìm được đường trở về, có những người thì ước mơ được trở lại quê hương chỉ là một ước mơ xa mù. Những cái chết thương tâm của các cô dâu xa xứ có phải một, hai trường hợp đâu?
Theo quy định hiện hành của Chính phủ, mức xử phạt chỉ từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng cho các hành vi: Môi giới, dẫn dắt, tổ chức, tạo điều kiện cho người khác kết hôn với người nước ngoài trái với thuần phong mỹ tục hoặc trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự. Đối với các đối tượng người nước ngoài khi vi phạm, mức xử phạt lớn nhất cũng chỉ dừng ở việc trục xuất khỏi quốc gia sở tại. Nhiều đối tượng môi giới người Việt, sau khi đã bị bắt, bị xử phạt thì một thời gian sau lại tái phạm, nộp phạt rồi lại… tha. Mức xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe trong khi sức hấp dẫn từ lợi nhuận của những món hàng "người" thì quá lớn.
Tổ chức môi giới hôn nhân với người nước ngoài nằm trong xu thế chung của xã hội. Khi nhu cầu còn thì dịch vụ này vẫn tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, cho tới hiện nay, những tiêu chuẩn của một trung tâm môi giới hôn nhân nước ngoài vẫn chưa có một quy định nào rõ ràng. Trách nhiệm và mối ràng buộc giữa người tổ chức môi giới, trung tâm môi giới đối với người được môi giới (các cô dâu tương lai) và người tuyển vợ vẫn còn là một dấu chấm lửng chưa có lời đáp.
Hón Thỵ