Hôm 7/1, một vụ đánh bom xe đã nhắm vào cứ điểm quân sự của Nga ở làng Tal al-Samen, trong lãnh thổ do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) kiểm soát ở tỉnh Raqqa phía Đông Syria.
Điều đáng chú ý là tổ chức Hurras al-Din (Những người bảo vệ tôn giáo) đặt tại tỉnh Idlib, tây bắc Syria đã tuyên bố chịu trách nhiệm về hoạt động này.
Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội, Hurras al-Din tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ việc mà không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào khác. Trong khi Nga giữ im lặng về vụ tấn công, các phương tiện truyền thông của phe đối lập đưa tin vụ đánh bom đã dẫn đến thương vong cho một số binh sĩ Nga.
Thông điệp đa nghĩa?
Mặc dù không gây ra nhiều thiệt hại, chiến dịch đánh bom nhằm vào Tal al-Samen mang một thông điệp lớn, đặc biệt đây là hoạt động đầu tiên của Hurras al-Din bên ngoài khu vực hoạt động chính của nhóm là Idlib.
Vụ tấn công cũng là bằng chứng cho thấy sự thất bại của Hayat Tahrir al-Sham (HTS) trong việc ngăn chặn sự phát triển của các nhóm thánh chiến tại các khu vực mà nhóm này đang kiểm soát ở tây bắc Syria.
Hurras al-Din là một tổ chức thánh chiến không đi theo sự lãnh đạo của HTS sau khi từ chối cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda. Nó cũng nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của Mỹ, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Mỹ thường xuyên nhắm vào nhiều mục tiêu đầu sỏ của nhóm ở vùng nông thôn phía Tây Idlib và vùng nông thôn phía Bắc Latakia.
Kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn ở tây bắc Syria được ký kết giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3/2020, HTS bắt đầu đóng vai trò vai trò chính trong việc làm tê liệt các tổ chức thánh chiến nhỏ hơn.
Thổ Nhĩ Kỳ được Nga yêu cầu giải giáp các nhóm thánh chiến trong khu vực nếu không muốn quân đội Syria mở cuộc tấn công vào Idlib.
Giới quan sát cho rằng, với cuộc tấn công bom xe vào căn cứ Nga, ngoài việc xác nhận thất bại của HTS trong việc kiểm soát sự nổi loạn của Hurras al-Din, đây có thể đánh dấu sự khởi đầu của các hoạt động khác của nhóm nhắm vào các lực lượng khác nhau trên lãnh thổ Syria.
Hơn nữa, theo chuyên gia Hassan Abu Haniyeh, hoạt động đánh bom ở căn cứ Tal al-Samen cho thấy đã có “một sự chuyển biến trong cấu trúc và hoạt động của Hurras al-Din, sau một thời gian tranh chấp với HTS về ảnh hưởng và quyền lực”. Điều này có nghĩa là “tổ chức đã bắt đầu ổn định và đưa ra quyết định ở cấp chiến lược, bằng cách chọn bản chất của các mục tiêu và loại hoạt động tự sát”.
“Nhắm mục tiêu vào một căn cứ quân sự của Nga là một sự thay đổi trong các ưu tiên của tổ chức Hurras al-Din, tổ chức vốn trước đó tập trung nhiều hơn vào quân Chính phủ và chống lại người Mỹ”, Haniyeh nói.
Điều này có thể "liên quan đến căng thẳng trong quan hệ Nga-Iran", ông nhấn mạnh, có thể "Iran khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho Hurras al-Din tấn công người Nga".
Mời gọi Nga tấn công Idlib?
Bên cạnh đó, chuyên gia Haniyeh nêu quan điểm, chiến dịch khiêu khích Nga của Hurras al-Din chính là để "thúc đẩy hoặc đẩy nhanh một cuộc tấn công của Nga vào tây bắc Syria" bằng cách cung cấp cho Moscow cái cớ để chống lại các tổ chức khủng bố trong khu vực.
Điều này sẽ có lợi cho Hurras al-Din, khi nhóm này cảm thấy bất mãn khi bị HTS kìm kẹp quá mức. Ngoài ra, cuộc tấn công như vậy của Nga sẽ cho phép “Hurras al-Din tăng cường tuyển mộ hoặc gây chia rẽ trong HTS, đặc biệt khi một phần lãnh đạo của HTS không hài lòng với thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ".
Tuy nhiên, quan điểm khác cho rằng, cuộc tấn công vào căn cứ Tal al-Samen không thể trở thành cái cớ cho một đòn trả đũa của Nga ở Idlib vì chiến dịch này diễn ra ở Raqqa và các khu vực thuộc lãnh thổ SDF. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chấp nhận một cuộc tấn công của Nga vào Idlib và sẽ sử dụng vấn đề này để chống lại SDF.
“Ngay cả khi Nga muốn tiến hành một chiến dịch quân sự, họ sẽ va chạm với nhiều vấn đề thực tế", chuyên gia nghiên cứu về Syria Orabi Abdelhay Orabi nói với Syria Direct. “Có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng một bức tường thép để biến khu vực trở nên kiên cố, vậy tại sao Nga lại tiến hành một chiến dịch khi biết rằng nó sẽ kéo nước này vào một thử thách có thể đảo ngược bàn cờ”.