Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, phát biểu với báo giới Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học cho từng cấp. Các Vụ trưởng cũng có những hướng dẫn nhiệm vụ năm học cho từng cấp học từ mầm non đến trung học. Đặc biệt cùng với lãnh đạo các địa phương, các sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch đào tạo trong điều kiện dịch bệnh.
“Bộ GD&ĐT đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học này là: linh hoạt, chủ động, sáng tạo, tận dụng mọi giải pháp công nghệ để tổ chức dạy học trong trường hợp dịch có thể kéo dài, diễn biến phức tạp”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.
Bên cạnh đó, bộ GD&ĐT cũng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19.
"Bộ đã có những chuẩn bị và hướng dẫn giúp cho địa phương, các cơ sở giáo dục đào tạo các biện pháp để thực hiện việc dạy học. Xây dựng kế hoạch cụ thể đối với các địa phương phải thực hiện giãn cách, trong đó xây dựng các phương án dạy học trên truyền hình, lớp học ảo, dạy từ xa", ông Sơn cho hay.
Thứ trưởng bộ GD&ĐT cũng cho biết, việc học trên các phương tiện trực tuyến cũng có rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi tổ chức các lớp học ảo, tuy có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, nhưng hạn chế về vấn đề chất lượng đường truyền, số lượng học sinh, sinh viên tham gia lớn thì việc tương tác còn gặp nhiều khó khăn.
Với phương án dạy học trên truyền hình, đẩy mạnh hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện xây dựng số hóa các bài giảng thành các video có thể tải trên mạng, cổng thông tin điện tử, phát trên các đài địa phương.
Hiện nay, đã có video cho môn tiếng Việt, tiếng Anh. Các video bài giảng này cũng được phát trên truyền hằng ngày vào khung giờ cố định. Ngoài ra, các giáo viên có thể gửi cho học sinh các video bài giảng này kèm theo bài tập hướng dẫn, hoặc học sinh có thể xem trên truyền hình.
Ông Hoàng Minh Sơn cho biết bộ cũng đã có những văn bản hướng dẫn các nhà trường tạo điều kiện cho các học sinh học từ xa. "Tận dụng khoảng thời gian này, các em học sinh được hỗ trợ học tập tốt nhất để sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, đặc biệt khi có đủ điều kiện ưu tiêm vắc-xin cho đối tượng học sinh, các em tới trường học vẫn đảm bảo chất lượng học tập. Đối với những em không có đủ điều kiện học tập, đề nghị nhà trường và giáo viên cần phải phụ đạo cho các em để đảm bảo chất lượng đào tạo", ông Sơn cho biết.
Chưa tiêm vắc-xin cho học sinh vì hạn chế nguồn cung
Ngày 6/9, bộ Y tế đã có văn bản hoả tốc số 7355/BYT- DP gửi Văn phòng Chính phủ về việc trả lời đề xuất, kiến nghị tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh trung học phổ thông.
Theo bộ Y tế hiện nay, số lượng vắc-xin phòng Covid-19 cung ứng cho Việt Nam còn rất hạn chế, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. Trên cơ sở tình hình dịch diễn biến dịch phức tạp tại các địa phương, số lượng vắc-xin cung ứng và căn cứ đối tượng được tiêm bộ Y tế đã hướng dẫn địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tiêm cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên.
Bộ Y tế cho biết, đang tích cực tìm kiếm nguồn cung ứng vắc-xin để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Khi nguồn cung ứng vắc-xin đáp ứng đủ, bộ Y tế sẽ hướng dẫn và phân bổ vắc-xin về các địa phương, khi đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách đối tượng tiêm cụ thể trong đó có đối tượng dưới 18 tuổi bao gồm cả học sinh.
Hồng Bích