Mới đây, bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho biết, vừa qua đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị một trường hợp điển hình bỏng vùng miệng do cắn vào dây điện.
Bệnh nhi là một bé gái 2 tuổi ở thị trấn Lục Yên, Yên Bái trong khi chơi, bé đã nghịch cắn vào dây điện, bị điện giật gây bỏng vùng miệng. Chị gái cháu bé (14 tuổi) ngồi trông em, nhưng mải xem điện thoại không để ý, nên tại nạn đáng tiếc đã xảy ra với em gái mình.
Sau khi cắn vào dây điện cháu bị bất tỉnh 10 - 15 phút, cháu không được sơ cứu gì, gia đình chuyển cháu đến Bệnh viện Sản nhi Yên Bái, tại đây cháu được tiêm kháng sinh, thay băng chăm sóc vết thương hàng ngày.
7 ngày sau đó, cháu chuyển đến Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác với tổn thương bỏng diện tích 20cm2 (10cm2) sâu độ III, IV vùng miệng cằm; tình trạng toàn thân tỉnh, ăn kém, vùng miệng, cằm hoại tử ướt tiết dịch mủ nhiều.
Với tổn thương bỏng sâu ở vùng miệng, cháu sẽ có rất nhiều nguy cơ để lại di chứng sẹo co kéo vùng miệng. Khi bị sẹo gây co kéo vùng miệng sẽ gây ảnh hướng tới chức năng ăn uống qua đường miệng của cháu và thẩm Mỹ trên khuôn mặt.
Quá trình điều trị cháu được chỉ định dùng kháng sinh, thay băng chăm sóc vết thương hàng ngày, phẫu thuật ghép da mảnh. Sau 24 ngày điều trị, bé được ra viện, tổn thương bỏng vùng miệng cằm khỏi hoàn toàn.
Theo bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện ra trẻ bị điện giật, bố mẹ phải bình tĩnh, nhanh chóng cắt nguồn điện hoặc dùng vật liệu cách điện sẵn có (đứng trên tấm ván gỗ khô, đi dép hoặc đeo găng tay cao su, gậy gỗ khô…) gỡ dây điện khỏi trẻ. Ngay sau đó kiểm tra chức năng sống của trẻ.
Trong trường hợp trẻ bị điện giật nhẹ, sau khi ngắt dòng điện, trẻ có thể tự phục hồi tỉnh táo, tự thở bình thường. Trường hợp trẻ bị nặng, bất tỉnh, ngừng thở, ngừng tim, cần nhanh chóng thực hiện sơ cứu ngay lập tức cho trẻ: Hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực (làm ngay, không được vận chuyển). Chỉ chuyển trẻ đến bệnh viện gần nhất khi trẻ đã thở và tim đập trở lại.
Trang Dung (t/h)