Nguyên nhân do đâu?
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm trình bày trước Quốc hội ngày 8/11 nêu rõ, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Nổi lên là tội phạm giết người tăng 13,17%, nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, xảy ra một số vụ giết người thân (tăng 4,83%), giết nhiều người.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về tình hình tội phạm hiện nay, đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, thời gian qua, tội phạm từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, những tội phạm nghiêm trọng lại có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân một phần do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, vấn đề nhận thức, môi trường xã hội cũng rất báo động. Nhiều người dân không tôn trọng pháp luật trong quá trình sống và làm việc. Có những hiện tượng xã hội như một hồi chuông cảnh tỉnh về tội phạm nghiêm trọng, manh động.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Anh Công cũng hết sức lo ngại trước tình trạng tội phạm liên quan đến trẻ em xảy ra đặc biệt nghiêm trọng, có những hành vi vô nhân tính như vụ cháu bé 8 tuổi tại Tp.HCM bị mẹ kế bạo hành đến chết, hay cháu bé tại Hà Nội bị đóng đinh vào đầu…
Điều đáng ngại hơn nữa, tình hình phạm tội nhiều trường hợp xảy ra nhưng nạn nhân lại không được can thiệp, giúp đỡ.
Thời gian qua, các địa phương đã đưa công an chính quy về xã, đây là bước quan trọng góp phần chấn chỉnh, chính quy hóa lực lượng công an cơ sở tại nông thôn, qua đó góp phần ngăn chặn các hành vi phạm tội, tuy nhiên vẫn cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Trao đổi thêm với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp.HCM) cho biết, kết quả phòng, chống tội phạm năm 2022 có nhiều thành tích đáng ghi nhận, đặc biệt trong năm 2020-2021 chúng ta trải qua tình hình dịch Covid-19 rất căng thẳng nên việc phòng, chống tội phạm phức tạp hơn. Đã phát hiện và xử lý tội phạm, nhất là những vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Về phòng, chống tội phạm công nghệ cao theo ông Nghĩa, cũng phải dùng công nghệ cao gồm: Con người và các phương tiện trang thiết bị.
Theo đại biểu, chính sách để đầu tư, phát triển nhân lực công nghệ cao và các phương tiện trang thiết bị trong các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nhìn từ sớm, từ xa, đã đầu tư tốt.
Không phải trong năm nay mà từ nhiều năm trước chúng ta đã phát hiện ra những vụ án vi phạm công nghệ cao như các vụ đánh bạc…
Đại biểu cho hay, đặc trưng của tội phạm công nghệ cao là luôn luôn đi theo sự phát triển của công nghệ, đây là một quy luật của tội phạm học, thế giới cũng đã chỉ ra.
Do đó, đại biểu lưu ý việc phòng chống tội phạm công nghệ cao luôn là trọng tâm, trọng điểm. Vì thế, sự nỗ lực đầu tư về con người và sự phối hợp các cơ quan có liên quan… cực kỳ quan trọng để có thể phòng, chống tội phạm công nghệ cao ngày càng tốt hơn.
Gây nhức nhối, bức xúc
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) cũng lo ngại trước tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục có chiều hướng gia tăng, nổi lên là tội giết người. Trong đó có những vụ việc như con giết bố, chồng giết vợ, anh giết em.
Hay gần đây nhất vụ việc 3 cô con gái dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ không chỉ gây nhức nhối bức xúc, bàng hoàng trong dư luận mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, về truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.
Nữ đại biểu nhấn mạnh: “Tội giết người là một trong những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, hơn nữa đây còn là các vụ án mà nạn nhân là người thân, mỗi vụ án xảy ra đều quá xót xa. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng và toàn xã hội cần phải có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này”.
Từ thực tế trên, đại biểu Chu Thị Hồng Thái kiến nghị Bộ Công an đánh giá nguyên nhân dẫn đến gia tăng cả về số vụ và đối tượng giết người, nhất là các vụ việc mà nạn nhân là người thân trong gia đình để có các biện pháp hữu hiệu hơn nữa trong đấu tranh phòng ngừa, đánh giá về chế tài xử phạt đối với đối với tội giết người trong các quy định của pháp luật hiện hành liệu đã đủ sức răn đe loại tội phạm nguy hiểm này hay chưa.
Chính phủ cũng cần có các biện pháp quyết liệt, căn cơ, phòng ngừa các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội nói chung và nguyên nhân mâu thuẫn gia đình nói riêng; phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của lực lượng Công an xã chính quy trong việc đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở; có biện pháp thống kê những đối tượng có nguy cơ phạm tội, những vụ việc tranh chấp đã được các tổ chức hòa giải tại cơ sở thực hiện hòa giải nhưng không thành…
Các địa phương cần phát huy tối đa vai trò của các tổ chức hòa giải tại cơ sở, quan tâm giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong xã hội, kịp thời hòa giải ngay từ ban đầu để ngăn ngừa việc sử dụng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng tại địa phương cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án giết người, nhất là các vụ án gây bức xúc dư luận, lựa chọn một số vụ án điểm để đưa ra xét xử lưu động, công khai, nhằm tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa chung.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân và các nhà trường, các tổ chức chính trị xã hội để nâng cao nhận thức cho các em học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên không chỉ về pháp luật mà còn định hướng về tu dưỡng đạo đức, nhân cách.