“Cần điều tra đoạn 5 km ống sông Đà vỡ nhiều lần!”

“Cần điều tra đoạn 5 km ống sông Đà vỡ nhiều lần!”

Thứ 6, 02/06/2017 15:33

Ông Nguyễn Tấn Vạn – nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng – cho rằng thay vì đổ lỗi cho toàn bộ dự án nước sông Đà thì nên khoanh vùng điều tra riêng đoạn 5 km xảy ra vỡ ống nhiều lần.

Vỡ ống nước 20 lần là không chấp nhận được

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - nguyênThứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Tấn Vạn là một trong những người trực tiếp tham gia trình dự án nước sông Đà lên Chính phủ, cũng là người phụ trách toàn bộ vấn đề cấp thoát nước trên toàn quốc giai đoạn đó.

Đầu tư - “Cần điều tra đoạn 5 km ống sông Đà vỡ nhiều lần!”

 Ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc VN, nguyên thứ trưởng bộ Xây dựng trả lời PV báo Người đưa tin (ảnh: M.M)

Chia sẻ với PV báo Người đưa tin, ông Vạn khẳng định: sự cố vỡ hay rò rỉ ống nước xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, kể cả những nước phát triển như nước Áo cũng xảy ra vỡ ống nước dẫn đến cắt nước một tuần liền, nhưng vỡ đến 20 lần là không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, vị chuyên gia, nguyên thứ trưởng này khuyến cáo, sự cố ở đâu điều tra ở đó, ai sai truy cứu người đó, tránh quy chụp đổ lỗi cho cả quy trình.

Ông Vạn chia sẻ về lý do phê duyệt dự án nước sông Đà hồi đó: “Tôi cho rằng Vinaconex lựa chọn công nghệ đó, ống loại cốt sợi thủy tinh đó là không sai. Thời điểm này, dự án này là dự án nước lớn nhất Hà Nội và là một trong dự án cấp nước lớn nhất cả nước với 600 m3  nước chảy ngày đêm (và tương lai sẽ là 1,2 triệu m3).

“Nếu không có dự án đó, chắc chắn Hà Nội không thể có nước sạch dùng thoải mái như bây giờ. Đây là dự án Vinaconex đầu tư đúng chỗ, đúng yêu cầu, là một đề xuất có trách nhiệm với Hà Nội” – nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Nói thêm lý do tại sao lại phê duyệt cho Vinaconex đầu tư công nghệ đó, ông Vạn nói: Khi một chuyên gia bên Áo đến chào hàng Việt Nam về đường ống composite cốt sợi thủy tinh thì tất cả anh em chuyên gia của bộ Xây dựng trong đó có tôi thấy rằng đây là một vấn đề cần phải xem xét ngay. Sau khi phát hiện toàn bộ nguyên liệu đều được nhập từ Trung Quốc, đoàn chuyên gia đã sang Trung Quốc khảo sát và quyết định là chúng ta có thể tự sản xuất được.

Cũng phải lưu ý rằng giai đoạn đó luật pháp cho phép doanh nghiệp tự chủ trong đầu tư dự án phát triển, thậm chí cho phép tự thẩm định dự án. Ta không nên nhìn vào luật pháp bây giờ để áp đặt cho quy định luật pháp ngày xưa trong soi chiếu vấn đề được.

 “Truy tố toàn bộ nguyên lãnh đạo Vinaconex là chệch hướng!”

Khi được hỏi quan điểm về quyết định khởi tố của cơ quan điều tra, ông Vạn cho rằng, dư luận xã hội đặt vấn đề là không sai, tuy nhiên cần điều tra nguyên nhân thận trọng, khách quan, tránh quy chụp khiến dư luận hiểu sai và làm thui chột nhiệt huyết của những người dám nghĩ dám làm, mạnh dạn trong đổi mới quy trình công nghệ.

“Đừng vì vỡ ống nước mà quay lại suy xét toàn bộ quá trình: vì sao ông đấu thầu, vì sao ông đầu tư công nghệ đó, đường ống đó… Chúng ta nên thay đổi cách tiếp cận vấn đề: sự cố tại đầu điều tra nguyên nhân tại đó, bởi vì nếu toàn bộ công nghệ, đường ống là không đạt yêu cầu thì đã hỏng tất cả rồi. Việc cần làm bây giờ là khoanh vùng kiểm tra và xử lý ngay người nào để xảy ra sai phạm”.

“Tôi nghi ngờ nguyên liệu sản xuất ống của cái đoạn 5 km hay vỡ không tốt. Cần phải lục lại nhật ký, hồ sơ, xem thời kỳ đó ai cho phép nhập lô nguyên liệu đó, ai phụ trách sản xuất, ai ký nghiệm thu…” – ông Vạn nói.

Ông cũng nói về 29 trên tổng số 46 km đường ống đã bị bỏ qua công đoạn thử áp lực tại nhà máy theo quy trình – theo kết luận của cơ quan điều tra.

Ngoài ra, ông Vạn cho biết thêm: “Anh Phí Thái Bình phụ trách dự án 2 năm rồi chuyển công tác. Tôi và anh Bình đã cùng thống nhất là phải có đường ống thứ hai và bể chứa tăng áp, song rất tiếc giai đoạn đó là giai đoạn mà Vinaconex thay đổi nhiều vị trí lãnh đạo, và việc bàn giao dự án từ lãnh đạo trước sau lãnh đạo sau đã không thấy được tầm quan trọng và phức tạp của dự án này khiến cho hạng mục này bị bỏ qua”.

Đây chính là lý do ống nước vỡ nhiều lần, nhưng Vinaconex không thể kiểm tra, xử lý toàn tuyến ống, mà chỉ có thể xử lý kiểu “thủng đâu vá đấy” vì nếu xử lý toàn tuyến, sẽ phải cắt nước hàng tháng trời. Trong khi không có bể để cấp nước dự phòng cho cư dân Thủ đô thì điều này sẽ gây xáo trộn rất lớn đến cuộc sống người dân.

“Nếu còn anh Bình, tôi tin rằng đường ống thứ hai và bể chứa tăng áp sẽ được đầu tư” – nguyên thứ trưởng Nguyễn Tấn Vạn khẳng định.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa được ông Vạn đặt ra: “Được biệt thời kỳ đó (năm 2009) dự án này phải đẩy nhanh tiến độ để kịp chào mừng một sự kiện trọng đại nào đó, tôi có nghe nói thế, do đó khi xảy ra sự cố thì người ta chỉ có thể xử lý cục bộ mà thôi”.

Chiều 22/5/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can Phí Thái Bình - nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex, nguyên phó chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Ngày 15/4/2004, HĐQT Vinaconex ban hành quyết định phê duyệt báo cáo điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, theo đó, thay đổi ống truyền tải nước sạch từ gang dẻo sang ống sợi composite cốt sợi thủy tinh.
Thời điểm năm 2004, ông Phí Thái Bình giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Vinaconex. Tháng 7/2006, ông Bình được bầu giữ chức phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2006-2011. Đến năm 2011, ông Bình nghỉ hưu theo chế độ.
Từ tháng 2.2012 đến tháng 10.2016, đường ống nước sông Đà của dự án này đã 20 lần xảy ra sự cố vỡ và rò rỉ.
Sau lần vỡ thứ 9 (ngày 12/7/2014) tại Đại lộ Thăng Long, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng liên quan việc thiết kế, phê duyệt, sản xuất và xây lắp tuyến ống truyền tải nước sạch (giai đoạn 1) của chủ đầu tư Vinaconex.

Minh Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.