Ông Dư Quang Châu khẳng định: “Qua việc này, chúng ta cần phải vạch mặt, chỉ tên kẻ giả danh tín ngưỡng để lừa người dân, đẩy họ vào những bi kịch khiến cuộc sống bị đảo lộn. Chỉ khi làm rõ trắng đen, tệ nạn mê tín dị đoan mới giảm. Hiện nay, có nhiều kẻ lợi dụng đức tin cho rằng mình có “năng lượng” có thể “cứu nhân độ thế”, đó là sự ảo tưởng dẫn đến hại người khác”.
Ông Dư Quang Châu.
Nói về năng lượng có thể truyền vào người, ông Châu cho rằng đó là những “năng lượng tích cực”. Năng lượng cảm xạ, có thể làm cho con người sống khoẻ hơn, tốt hơn. Ví dụ tập rung động thư giãn, số 1 là kiên quyết đấu tranh; tiếp đến màu vàng là lạc quan, yêu đời; cấp màu cam là can đảm, tự tin; cấp màu xanh da trời là tình thương yêu, chia sẻ với mọi người; màu tím hãy nói lời tốt, không bao giờ nói lời xấu cho xã hội tốt đẹp hơn... Chuyện cắt chân, truyền năng lượng chữa bệnh là những người bị “ma mị” xui khiến, bị hoang tưởng. Vì thế họ làm ra những chuyện phi nhân tính.
Trong trường hợp này, ông Châu nêu ra hai giả thuyết phải tìm hiểu rõ: “Một là, những người thân kia đã quá mê muội nên tin theo ông đồng, bà cốt; hai là trong gia đình có vấn đề, họ làm như vậy để gây sức ép với bà mẹ để giành giật một thứ gì đấy. Nếu có “ông thầy” nào đó phán cắt chân bệnh nhân thì phải báo công an bắt luôn ông ta. Vì không có ai được quyền “phán” xúc phạm đến thân thể người khác. Còn nếu cắt chân người thân vì mục đích thứ hai là vô lương tâm”.
Với góc nhìn là một người am hiểu về y thuật, chuyện cắt chân để chữa bệnh được ông Châu lý giải: “Chân người bệnh đang bình thường mà đè ra cắt là phản khoa học. Điều này sẽ khiến người bệnh đau ốm thêm. Trong trường hợp nếu bác sỹ chỉ định, do bệnh nhân bị tắc động mạch chi dẫn đến hoại tử những ngón chân, ngón tay dẫn đến đau nhức thì phải tháo khớp đó là bình thường. Nhưng đó là việc được tiến hành trong bệnh viện, dưới sự chỉ đạo của bác sỹ. Còn người không phải là bác sỹ, những ông đồng, bà cốt phán cắt một bộ phận nào của cơ thể người khác là tội ác, vi phạm pháp luật”.
Minh Khánh - Anh Văn