Vấn đề âm nhạc thiếu nhi đã được đầu tư đến đâu và đầu tư như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi này và cũng để rộng đường dư luận, PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ - thạc sĩ Bùi Anh Tú - Vụ Giáo dục Trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cần một Hội thảo lớn của các cấp các ngành để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhạc thiếu nhi (Ảnh minh họa)
Rất đau đầu vì trẻ hát nhạc "não tình"
Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng âm nhạc hiện nay? Âm nhạc đóng vai trò như thế nào trong cách hình thành tính cách, tâm lývà giáo dục trẻ em?
Âm nhạc thiếu nhi hiện nay theo nhận định của các nhà chuyên môn là đang ở trong thời kì khủng hoảng. Rất thiếu các bài hát mới và phù hợp cho lứa tuổi thiếu nhi hiện nay. Âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật có một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách tâm lý và nhất là giáo dục đạo đức cho trẻ em. Bởi vì nó có tác động mạnh mẽ tới tình cảm của con người, hơn nữa đó còn là loại hình nghệ thuật đến sớm nhất đối với trẻ em. Những bài hát hay viết cho các em đã có tác dụng giáo dục các em biết yêu quê hương, đất nước, yêu ông bà, cha mẹ, thầy cô, mái trường và bạn bè, hướng các em tới những tình cảm trong sáng và lành mạnh.
Rất nhiều nhạc sĩ có tên tuổi cho rằng các nhạc sĩ trẻ bây giờ đang quá thờ ơ với những bài hát dành cho thiếu nhi, anh có cho như vậy không?
Không phải là tất cả nhưng phải nói là đa số. Hiện nay xu thế thưởng thức âm nhạc của xã hội đang thay đổi đồng hành với nhịp sống sôi động và hiện đại. Các nhạc sĩ trẻ là những thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời đại hôm nay, nhiều người được đào tạo bài bản và có trình độ cao về âm nhạc. Họ say mê âm nhạc hiện đại, thích những loại hình âm nhạc sôi động, trẻ trung và những nhạc sĩ trẻ luôn mong muốn những tác phẩm của họ nhanh chóng đến với công chúng. Mà những ca khúc thiếu nhi khó thể đáp ứng được yêu cầu như thế. Và cũng một lý do phiến diện nữa là một số có vẻ không coi trọng những ca khúc viết cho trẻ em.
Ông nghĩ gì về hiện tượng "Sân khấu nội nhưng bài hát ngoại" đã xuất hiện ở một số gameshow dành cho thiếu nhi?
Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay các em lựa chọn biểu diễn những ca khúc nước ngoài, chương trình ca nhạc thiếu nhi mà các em lại hát những bài của người lớn và các ca khúc mới Việt Nam viết cho các em nhưng lại chưa đạt về yêu cầu của một ca khúc cho thiếu nhi như về giai điệu âm nhạc thì dùng những quãng khó, quá rộng so với tầm cữ giọng của các em, ca từ thì chưa đẹp và hay nếu chưa nói đến là thô ráp. Đó là điều trăn trở và đáng suy nghĩ cho các cơ quan quản lý, các nhạc sĩ và các bậc cha mẹ hiện nay.
Nhạc sĩ Bùi Anh Tú
Bộ GD&ĐT đang nỗ lực khắc phục
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã có những kế hoạch cho việc phát triển và tìm kiếm những bài hát dành cho thiếu nhi chưa?
Bộ Giáo dục và Đào tạo từ nhiều năm qua đã rất chú trọng đến vấn đề giáo dục âm nhạc cho thiếu nhi chứ không chỉ là vấn đề các bài hát. Đây là đối tượng các em hiện đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông đã xác định môn Âm nhạc là môn học bắt buộc đối với học sinh từ Tiểu học đến hết Trung học cơ sở và có Sách giáo khoa. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ 2 năm một lần tổ chức các hội diễn ca nhạc dành cho thiếu nhi như Giai điệu tuổi hồng động viên các em tham gia, tìm chọn những bài hát mới và các nhạc sĩ cũng tập trung viết bài hát cho các em để tham gia.
Với một nền âm nhạc như Việt Nam thì khó khăn nào sẽ đến với nhà quản lí trong vấn đề này?
Khó khăn hiện nay là nhiều địa phương còn chưa đầy đủ giáo viên giảng dạy âm nhạc, trang thiết bị còn thiếu khó khăn trong việc truyền thụ âm nhạc cho các e. Một điều quan trọng hơn cả là các cơ quan thông tin đại chúng hiện nay phát triển quá mạnh mẽ các game show dành cho thiếu nhi chưa được tốt, chưa phù hợp với thiếu nhi nên đã ảnh hưởng việc truyền bá âm nhạc trong sáng lành mạnh cho các em.
Mỗi năm, nhà nước dành rất nhiều tiền để đầu tư cho các em nhỏ trong mỗi lĩnh vực. Vậy âm nhạc dành cho các em đã thực sự được đầu tư chưa?
Vấn đề nhiều tiền và nhiều đến mức nào thì tôi không biết nhưng chắc chắn là có đầu tư. Tuy nhiên vẫn chưa hiệu quả thực sự. Vấn đề này phải cần có một Hội thảo lớn của các cấp các ngành, sự tham gia của giới nhạc sĩ thì mới tìm ra câu trả lời đúng đắn nhất.
Nhạc sĩ - thạc sĩ Bùi Anh Tú tâm sự: "Là người đã tham gia nhiều chương trình, qua rất nhiều lần chấm thi, chấm hội diễn ca nhạc của các em tôi thấy có những chương trình trong một ngày phải nghe đến trên 10 lần một bài hát do các đơn vị khác nhau biểu diễn. Thường thì các em chọn biểu diễn những bài hát thiếu nhi đã quá cũ thuộc thế hệ cha và ông của các em đã hát". |
Đào Bích