Sau sự cố y khoa khiến 2 bệnh nhân tử vong tại bệnh viện Đa khoa Trí Đức, nhiều bác sĩ, chuyên gia trong ngành mong muốn có một bên thứ 3 “phân xử” công tâm sau khi sự cố y khoa xảy ra.
ĐBQH khóa XIV, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm tim mạch, bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho rằng: “Chúng ta không thể đứng về một phía khi xảy ra sự cố y khoa. Cũng giống như các sự cố khác, rất cần một bên thứ 3 công tâm phân xử. Theo tôi bên thứ 3 ở đây không thể chỉ là cục Khám chữa bệnh, sở Y tế, Ban giám đốc bệnh viện mà phải là các Hội chuyên khoa.
Chỉ khi nào mà giấy phép hành nghề có được sự phê chuẩn của Hội chuyên ngành thì vai trò của phán quyết chuyên môn mới được khẳng định. Các bác sĩ chỉ còn một con đường lựa chọn là tuân thủ các hướng dẫn (guide line), lá bùa hộ mệnh của ngành y thế giới nói chung và ngành y Việt Nam nói riêng”.
Về vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS.BS Trần Tuấn, chuyên gia tư vấn phản biện độc lập, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), Liên hiệp các hội KH và KT Việt nam ( VUSTA) về vấn đề này. Ông là người đã có nhiều năm theo đuổi, nghiên cứu về vấn đề này.
Vừa qua, một số bác sĩ có đề xuất là cần một hội chuyên khoa để phân xử sau các sự cố y khoa. Anh đánh giá sao về đề xuất này?
Đề nghị này không phải bây giờ mới có. Khi bộ Y tế soạn thảo trình QH thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ủy ban các vấn đề xã hội cùng với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) trong các năm 2007-2008 đã tổ chức phản biện một cách hệ thống về dự thảo luật này.
Một trong những kiến nghị chính lúc đó, là dự thảo Luật thiếu nội dung giám sát đánh giá độc lập, khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” phải đặt lại cho đúng vai trò của các hội, tổng hội Y học thực thi chức năng giám sát đánh giá chuyên môn, bao gồm cả điều tra các tai biến.
Lúc đó tôi nhớ nhiều buổi trình bày của nhóm chuyên gia VUSTA lãnh đạo bởi GS. Phạm Song, khi đó là Chủ tịch Tổng hội Y học, rất tâm huyết, mạnh mẽ, nhưng đã không được ghi nhận. Chính nhóm soạn thảo dự luật của bộ Y tế cũng không tích cực ủng hộ các đề xuất của nhóm chuyên gia phản biện VUSTA.
Khách quan nhìn nhận y tế khi phát triển theo kinh tế thị trường, toàn cầu hóa chắc chắn chất lượng dịch vụ y tế có sự can thiệp mạnh mẽ của nhiều yếu tố bên ngoài. Đặc biệt, các lĩnh vực về thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị… mà ngành y tế khó mà kiểm soát nổi.
Không tổ chức hệ thống y tế có giám sát đánh giá độc lập là bộ Y tế “chấp thuận để người ta bịt miệng mình”. Bởi chỉ có giám sát đánh giá độc lập mới đặt tất cả các bên tham gia vào cung cấp dịch vụ y tế có cơ hội được minh oan một cách khách quan khi chất lượng y tế sụt giảm, tai biến y tế xảy ra.
Để tình trạng ngành y tế “vừa đá bóng vừa thổi còi”, thì dù khi nguyên nhân sự cố y khoa thực chất do yếu tố bên ngoài, dư luận cũng vẫn đặt câu hỏi cho tính khách quan của kết luận. Chính đó là điều thiệt thòi cho cán bộ y tế, ngành y tế trong nền kinh tế thị trường.
Tôi ví dụ như những tai biến trong tiêm chủng, hay ngay trong vụ 2 bệnh nhân tử vong ở bệnh viện Đa khoa Trí Đức vừa rồi, tâm lý xã hội lại vẫn treo dấu hỏi vào chuyên môn của ngành Y. Không tổ chức giám sát đánh giá độc lập, khiến người ta có xu hướng cho rằng ngành Y đang che giấu các yếu kém của mình. Vấn đề này đã từng được nêu ra rất nhiều lần rồi. Tại sao không tổ chức như các nước tiên tiến đã làm, đấy là điều lãnh đạo ngành y phải suy nghĩ và phấn đấu giải quyết.
Việc ngành y “vừa đá bóng vừa thổi còi” khiến người dân nghi ngờ tính khách quan của các kết luận. Nhưng nếu có đơn vị, tổ chức thứ 3 đánh giá các sự cố, dư luận băn khoăn là đơn vị này nằm ở đâu để có sự khách quan trong việc đánh giá về chuyên môn?
Vấn đề không phải chỉ một hội chuyên khoa mà nó nằm ở cấu trúc của hệ thống luật để thiết lập hệ thống đánh giá độc lập trong suốt hệ thống. Tính độc lập này được tích hợp thể hiện ngay trong việc vận hành hàng ngày các bệnh viện, phòng khám, bởi nó là nền tảng tạo nên hệ thống quản trị chất lượng dịch vụ. Các nước tiên tiến, chẳng hạn như Đức, mọi nhân viên đều hiểu hoạt động của họ luôn chịu sự giám sát đồng thời của hai hệ thống nội bộ và độc lập bên ngoài! Theo tôi, vấn đề ở đây là tổ chức hệ thống minh bạch, khoa học, lấy chất lượng phục vụ làm yếu tố cạnh tranh tồn tại!
Lãnh đạo ngành cần thừa nhận rằng trong nền kinh tế thị trường, sự cố trong chăm sóc y tế rất phổ biến, và sự cố lại là chỉ báo cho hành động cải thiện chất lượng! Phần lớn các tai biến, sự cố trong y khoa là có thể phòng tránh được, chỉ một tỷ lệ nhỏ thực sự bất khả kháng.. Nhìn nhận như thế, chúng ta sẽ chuyển hướng mục tiêu tổ chức toàn bộ hệ thống giám sát đánh giá chất lượng dịch vụ, để “phòng tránh” sai sót, sự cố, tai biến, thay vì để “xử lý” tai biến xẩy ra.
Giám sát đánh giá độc lập phải được hiểu đúng là độc lập với bên tham gia cung cấp dịch vụ. Mà tham gia cung cấp dịch vụ, đâu chỉ có các y bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, hay người quản lý bệnh viện? Đâu chỉ giới hạn bởi các bên cung cấp trong nước?
Hội nghề nghiệp do vậy, phải được tổ chức độc lập với bên quản lý hệ thống cung cấp dịch vụ. Nếu thực sự muốn làm, thì việc đầu tiên, phải cải tổ lại từ tầm nhìn, chức năng, đến cơ cấu tổ chức vận hành… và đặc biệt mối quan hệ của Tổng hội y học và các hội chuyên ngành với ngành y tế.
Các hội phải nằm ngoài hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, thuộc về khối các tổ chức xã hội dân sự, và một trong những chức năng căn bản là chức năng giám sát, đánh giá, phản biện độc lập việc thực thi của ngành y tế, của khối cung cấp dịch vụ y tế, cả công, tư, phi lợi nhuận.
Khi thừa nhận cần có sự hình thành dịch vụ giám sát đánh giá độc lập trong vận hành hệ thống y tế, thì sự thay đổi không chỉ đặt ra với các hội chuyên khoa, mà trong thị trường, sẽ tự hình thành khối giám sát đánh giá độc lập vận hành bởi tư nhân hoặc các tổ chức xã hội dân sự khác, như phía bệnh nhân chẳng hạn.
Một vị đại diện cục quản lý khám chữa bệnh, bộ Y tế có nói là Luật Khám bệnh, chữa bệnh chưa cho phép việc này. Vậy muốn có hội chuyên khoa phân xử thì phải sửa luật?
Đúng, phải sửa luật, và không chỉ luật này, còn một số luật liên quan khác cũng đòi hỏi phải có hội đồng giám sát đánh giá độc lập, như luật bảo hiểm y tế, luật dược…. Tôi cho rằng vấn đề ở đây không phải chỉ sửa luật. Chúng ta cần những người thực sự muốn thay đổi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm