Cần hiểu thống nhất “hàng thiết yếu”, tránh tình huống dở khóc dở cười

Cần hiểu thống nhất “hàng thiết yếu”, tránh tình huống dở khóc dở cười

Nguyễn Thị Hường

Nguyễn Thị Hường

Chủ nhật, 01/08/2021 06:52

Cần có cách hiểu thống nhất về “hàng thiết yếu” mà người dân có thể vận chuyển khi ra đường, tránh mỗi nơi mỗi kiểu và cách xử lý của mỗi cán bộ cũng mỗi khác.

Mạng xã hội đang lan truyền đoạn video cho rằng “một người đàn ông chở rau muống đi giao hàng, gặp chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 thì bị giữ lại”. Trong đoạn video, một cán bộ chốt kiểm soát là đại úy công an đã rất băn khoăn và hỏi cấp dưới rằng “rau muống có phải hàng thiết yếu không”.

Qua đoạn video này và những câu chuyện "dở khóc, dở cười" khác, nhiều ý kiến cho rằng, nên có sự hướng dẫn cụ thể, thống nhất cách hiểu về “hàng thiết yếu” mà người dân có thể vận chuyển, để tránh từng địa phương quy định, gây lúng túng cho lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ và gây khó khăn cho người dân.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lưu Bình Nhưỡng (Đại biểu Quốc hội khóa XIV) cho rằng: “Thời gian vừa qua mới nảy sinh quy định và cách hiểu về hàng thiết yếu trong tình hình dịch bệnh. Trước đây, chúng ta đều hiểu, hàng hóa thiết yếu là những hàng hóa không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và cho quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch thì nhiều nơi, nhiều cán bộ lại có cách hiểu khác nhau về hàng thiết yếu. Vì thế mới có những câu chuyện dở khóc, dở cười về hàng thiết yếu, người dân thì cho rằng hàng mình mang theo là hàng thiết yếu nhưng cán bộ ở chốt kiểm soát lại cho rằng đó không phải là hàng thiết yếu, điển hình như sự việc người dân mang bánh mì nhưng cán bộ phường bảo không phải hàng thiết yếu”.

Góc nhìn luật gia - Cần hiểu thống nhất “hàng thiết yếu”, tránh tình huống dở khóc dở cười

Ông Lưu Bình Nhưỡng (Đại biểu Quốc hội khóa XIV).

Ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích thêm: “Tuy nhiên, cũng cần nói rằng, mặt hàng thiết yếu cho người dân không đồng nghĩa với mặt hàng cấm. Nhiều người đang có sự nhầm lẫn rất đáng tiếc về khái niệm này. Do đó, cần có sự giải thích để người dân hiểu, kể cả các địa phương cũng đừng “vin” vào câu chuyện này để ngăn sông cấm chợ, vừa ách tắc sản xuất, vừa ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nếu mỗi nơi quy định một kiểu thì rất bất cập. Cần có sự hướng dẫn nghiêm túc, đầy đủ để đảm bảo cách hiểu giống nhau, thống nhất, tránh giải thích một cách tùy tiện.

Phải hiểu rằng, công tác chống dịch chính là để đảm bảo cho đời sống nhân dân. Mục tiêu của chống dịch chính là vì dân”.

Cũng trao đổi với PV về vấn đề trên, luật sư Ngô Thạnh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: Thời gian qua các cơ quan chức năng đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bước đầu ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Người dân vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết.

Trong chiến dịch phòng, chống Covid-19, Chính phủ cũng đã quy định danh mục các mặt hàng thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; việc này góp phần thực hiện thống nhất các quy định về phòng chống dịch trong phạm vi cả nước, giúp các địa phương dễ dàng áp dụng, cũng để tránh tình trạng khi xử lý, người dân không biết đâu là mặt hàng thiết yếu.

Tuy nhiên, theo luật sư Ngô Thạnh, trên thực tế, cũng vì “quy định cứng” danh mục mặt hàng thiết yếu, nên nhiều địa phương lại “loay hoay” trong việc áp dụng khi vào những trường hợp cụ thể, mỗi địa phương hiểu và thực hiện theo cách khác nhau. Vì thế, đã xảy ra tình trạng một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống người dân nhưng không được lưu thông tại một địa phương hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.

Góc nhìn luật gia - Cần hiểu thống nhất “hàng thiết yếu”, tránh tình huống dở khóc dở cười (Hình 2).

Luật sư Ngô Thạnh.

Luật sư Ngô Thạnh tán thành với việc ngày 27/7, bộ Công Thương đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì quy định danh mục “hàng hóa thiết yếu”. Và tới ngày 29/7, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, trên tinh thần đề xuất của bộ Công Thương. Tuy nhiên, trên thực tế, các địa phương chủ yếu áp dụng vấn đề này cho hàng hóa của các công ty, doanh nghiệp, hàng hóa vận chuyển bằng ô tô, container… Còn đối với những người dân di chuyển trong địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg thì cũng vẫn băn khoăn và có cách hiểu khác nhau về “mặt hàng thiết yếu” được ra ngoài mua.

Luật sư Thạnh cho rằng, cần có cách hiểu thống nhất về mặt hàng thiết yếu, bên cạnh những quy định cứng rắn, thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh của Nhà nước thì vẫn cần phải có cơ chế quản lý linh hoạt, mềm mỏng để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo được nhu cầu của người dân.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Hường - Thúy

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.