Ngày 20/4, tại Tp.Đà Nẵng, Hội nghị Khoa học Chiếu sáng toàn quốc 2023 do Hội Chiếu sáng Việt Nam tổ chức với chủ đề “Chiếu sáng Việt Nam trong phát triển và ứng dụng công nghệ mới” đã được diễn ra.
Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam chia sẻ, năm 2022 và các năm tiếp theo, cách mạng công nghệ 4.0 phát triển vượt bậc và tác động mạnh mẽ lên mọi lĩnh vực.
Vấn đề đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số tiếp tục được nâng lên một tầm cao mới và là câu chuyện sống còn của doanh nghiệp.
Trong thời đại hiện nay, bất cứ doanh nghiệp nào dù lớn hay nhỏ, thuộc ngành nghề nào, nếu nhanh chóng chuyển đổi dữ liệu và quy trình làm việc từ môi trường truyền thống sang số hóa, tự động hóa quy trình sẽ nắm được xu thế phát triển của thị trường, đưa doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp chậm thay đổi sẽ sớm tụt hậu, bị đẩy ra khỏi cuộc chơi. Chuyển đổi số mang đến cho con người nhiều tiện ích, mở cho chúng ta con đường thành công dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Ngành chiếu sáng thế giới và Việt Nam đang chuyển sang tầng công nghệ thứ tư, đèn sợi đốt, đèn phóng điện, chiếu sáng rắn (SLL-LED), chiếu sáng thông minh và ở quy mô nghiên cứu phạm vi hẹp đã xuất hiện LI-FI, dùng sóng ánh sáng để điều khiển.
Bà Đặng Anh Thư, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, nhận định, chiếu sáng luôn gắn với quá trình và sự phát triển của nền kinh tế.
Trong những năm qua, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan quản lý chiếu sáng đô thị, từ Luật tiết kiệm năng lượng đến Nghị định, định hướng phát triển chiếu sáng cho các đô thị Việt Nam và nhiều văn bản khác có liên quan đã hướng tới việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất chiếu sáng, tiết kiệm năng lượng…
Các chương trình hành động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai thực hiện, trong đó lĩnh vực chiếu sáng đô thị cũng đã và đang có sự thay đổi, phát triển.
Chiếu sáng đô thị đã được chú trọng hơn và có những mục tiêu phát triển mới gắn với chuyển đổi số, chiếu sáng thông minh.
Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ mới, mô hình mới trong quản lý, vận hành áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và đã hiểu được lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả như công nghệ chiếu sáng LED đã chứng minh to lớn cho việc tiết kiệm điện năng và ngày càng có nhiều công nghệ mới cũng như mô hình quản lý mới.
Bà Thư cũng cho rằng, những thành tựu trong quá trình phát triển của ngành chiếu sáng trong thời gian qua có sự đóng góp lớn của Hội Chiếu sáng Việt Nam, các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị chiếu sáng và các đơn vị quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng tham gia trong hầu hết các hoạt động để thúc đẩy sự phát triển hệ thống chiếu sáng Việt Nam.
Đồng thời, những thành tựu này cũng đóng góp không nhỏ của các tổ chức nước ngoài nhằm nâng cao sự phát triển về khoa học công nghệ cũng như kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực chiếu sáng Việt Nam.
Phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực chiếu sáng đặt ra những cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp chiếu sáng.
Ứng dụng các công nghệ mới, thay đổi mô hình quản lý, phương thức kinh doanh, tạo cơ sở dữ liệu số hóa… đòi hỏi các đơn vị cung cấp dịch vụ chiếu sáng, các nhà thiết kế, sản xuất cần nâng cao hơn nữa nhận thức, tuyền tuyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, xác định được trách nhiệm.
Đồng thời, cũng là lợi ích không nhỏ của mình trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có kế hoạch mang tính chiến lược, lâu dài và bền vững.
“Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan quản lý chiếu sáng cũng cần phải được rà soát điều chỉnh, xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp vừa khuyến khích và vừa có các yêu cầu mang tính bắt buộc để tạo động lực thúc đẩy phát triển chiếu sáng là rất cấp thiết…
Do đó, cần sự chung tay, đóng góp hơn nữa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho những thanh tựu trong quá trình phát triển ngành chiếu sáng trong thời gian tới”, bà Đặng Anh Thư đưa ra ý kiến.