Do quá trình phát triển của lịch sử, Việt Nam đã du nhập hầu hết phong cách kiến trúc cổ kim của thế giới. Điển hình là kiến trúc Trung Hoa, kiến trúc Pháp và kiến trúc riêng của dân tộc Việt Nam. Những kiến trúc cổ vẫn tồn tại thách thức thời gian, có giá trị liên thành. Các công trình có ý nghĩa lịch sử thời đại luôn cần được bảo vệ, tôn tạo làm cho chúng còn mãi cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Một ngôi chùa cổ
Khắp mọi miền đất nước đều có những công trình kiến trúc cổ cần được bảo tồn như phố cổ Hà Nội; các đình, chùa ở Bắc Ninh; phố cổ Hội An; khu Chợ Lớn TP.HCM và nhiều công trình kiến trúc cổ kính ở Đà Lạt… Trên thực tế, Nhà nước đã có những chính sách quy hoạch cụ thể về vấn đề này. Gần đây nhất, ngày 4/6/2012 dự án “Ý tưởng thiết kế đô thị bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn” vừa được Sở Quy hoạch - Kiến trúc báo cáo lên UBND TP.HCM. Nhưng xét trên tổng thể thì cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ công tác quản lí của cơ quan chức năng.
Kết quả mang lại từ công tác bảo tồn, lưu giữ các công trình kiến trúc cổ còn nhiều vấn đề tồn tại, hiệu quả chưa thực sự cao và còn nhiều vướng mắc. Điển hình như khu phố cổ Hội An về tổng thể các khu đô thị ngoài phố cổ vẫn chưa đạt độ thẩm mỹ cần thiết, giá trị một số tuyến phố, khu dân cư bị giảm sút do mật độ xây dựng công trình vượt mức cho phép. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, hệ cây xanh còn thấp, mới ở mức hơn 5m2/người và chưa tạo được nét đặc trưng.
Chiến lược quy hoạch phát triển của đất nước hiện nay trong công tác bảo tồn các di sản kiến trúc cổ chưa có một quy định rõ ràng, thậm chí ngay ở địa phương. Nhà nước chưa có một giải pháp, thủ pháp chuyên môn cụ thể và chi tiết. Chưa có những cơ quan chủ quản, phân cấp quản lý, công tác liên cơ quan, liên ngành một cách hợp lý và hiệu quả. Chưa có một hành lang pháp lý đủ mạnh và chưa có sự quan tâm, nhận thức đúng mực của toàn xã hội… Do vậy, thường xuyên có sự lúng túng trong công tác quản lí của các cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề này.
Từ thực tế, cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp và cách thức xử lí cụ thể cho từng loại hình kiến trúc ở từng vùng văn hóa. Mỗi loại hình kiến trúc có hình thức quản lý, đối tượng sở hữu và đối tượng sử dụng khác nhau, đồng thời quy mô và nội dung kiến trúc cũng khác hẳn nhau. Hơn nữa, kiến trúc cổ của đất nước rất đa dạng, phong phú. Do đó, cần thiết phải có một đơn vị chuyên môn giám sát và quản lý chung hồ sơ kiến trúc và bảo tồn trùng tu các công trình kiến trúc cổ có giá trị trên cả nước. Một trong những nguyên nhân làm cho kiến trúc cổ ngày càng ít đi xuất phát từ vấn đề quản lý yếu kém.
Để khắc phục những tình trạng tồn tại trước đó là vấn đề không hề đơn giản, cần sự kết hợp đồng bộ của nhiều ban nghành. Bên cạnh đó, ý kiến của người dân cũng vô cùng quan trọng. Muốn bảo tồn tốt các kiến trúc cổ mà không cho phép người dân xây dựng xung quanh các kiến trúc cổ là phi lý. Chính vì thế, rất cần có các nghiên cứu chuyên sâu và ứng dụng các mô hình đã thành công trên thế giới.
Trung Nguyên