LS. Quang Anh cho rằng: "Nếu như ông Chấn khai rằng, ông không thực hiện hành vi phạm tội nhưng trong hồ sơ vụ án lại có văn bản nhận tội cụ thể, chi tiết thì khả năng ông này bị ép cung, mớm cung là rất cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng không được phép dùng việc suy đoán để làm cơ sở buộc tội các điều tra viên mà phải điều tra, xác minh rõ. Sau khi đã xác định được hung thủ thật sự và bản án có hiệu lực pháp luật tuyên ông Chấn không phạm tội thì lúc đó mới có thể khẳng định ông Chấn bị oan. Khi đó việc ông Chấn đã ngồi tù 10 năm sẽ được xem là hậu quả nghiêm trọng.
>>Những vụ điều tra viên đánh đập, ép cung gây rúng động
Đã đủ điều kiện để khởi tố vụ án
LS. Quang Anh phân tích: Trong trường hợp này đủ điều kiện để áp dụng Điều 104 BLTTHS để khởi tố vụ án với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS trước đã (vì đã đủ dấu hiệu phạm tội); còn đối với các tội danh khác như tội bức cung Điều 299, tội dùng nhục hình Điều 298, tội làm sai lệch hồ sơ vụ án Điều 300; tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội Điều 293, nếu có thì sẽ được làm rõ sau quá trình điều tra vụ việc.
"Tuy nhiên, trong trường hợp này vì 6 người đều là điều tra viên, là những người có kinh nghiệm và đều trong lực lượng cảnh sát điều tra của công an tỉnh nên thiết nghĩ để khách quan, công bằng nên áp dụng Điều 79, Điều 80 BLTTHS để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam và giao cho cơ quan an ninh điều tra hoặc Cục điều tra của VKSNDTC phải vào cuộc để tiến hành làm có hay không việc điều tra viên ép cung, dùng nhục hình đối với ông Nguyễn Thanh Chấn", LS. Quang Anh nói.
LS.Nguyễn Quang Anh cho biết thêm: "Thực ra để chứng minh cơ quan điều tra có ép cung, mớm cung, bức cung và dùng nhục hình đối với bị cáo hay không là rất khó. Thứ nhất, việc các điều tra viên lấy lời khai cũng chỉ diễn ra giữa họ và bị cáo chứ không có người khác chứng kiến. Thứ hai, có những vụ án, thời gian điều tra là mấy tháng, thậm chí kéo dài cả năm trời, đến khi ra tòa để tố cáo hành vi của điều tra viên thì các dấu vết của việc dùng nhục hình bức cung, ép cung cũng không còn. Thứ ba, vị trí pháp lý của bị cáo thường bị đánh giá thấp, tòa án thường không tin lời tố cáo của họ, thậm chí còn cho rằng bị cáo nói như vậy để chối tội.
LS. Nguyễn Quang Anh: "Trên thực tế tôi chưa từng gặp điều tra viên hay kiểm sát viên nào bị khởi tố và xét xử về tội ép cung, nhục hình".
Xét hai mặt của vấn đề thì trong các vụ án hình sự, việc các bị cáo phản cung để chối tội và nêu lý do bị CQĐT dùng nhục hình để ép cung, bức cung là điều thường xảy ra. Và trên thực tế, việc một số bị can, bị cáo bị CQĐT dùng nhục hình hoặc bức cung để bắt nhận những hành vi, những tội mà trên thực tế mình không thực hiện cũng đã từng xảy ra. Bởi vậy, trong những trường hợp nếu bị cáo nêu ra yếu tố này thì buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định: Có hay không việc dùng nhục hình, bức cung; lời khai của bị cáo khi bị dùng nhục hình, bức cung hoặc bằng các thủ đoạn khác có đúng với thực tế khách quan hay không.
Chưa có điều tra viên nào bị đưa ra xét xử về tội dùng nhục hình
Vấn đề ở chỗ các lời khai sai do kết quả của việc ép cung, bức cung sẽ mâu thuẫn với nhau và không phù hợp với các chứng cứ khách quan khác của vụ án. Do vậy khi bị cáo nêu ra vấn đề này, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét lời khai nhận tội và lời khai chối tội của bị cáo có mâu thuẫn với nhau và phù hợp với các chứng cứ khách quan khác hay không.
Cũng theo LS Quang Anh, phải so sánh, phân tích các tình tiết khác của vụ án, đặc biệt là các tình tiết khách quan. Ví dụ như dấu vết máu, mẫu tóc, cột phát sóng điện thoại xem nó có phù hợp không và chứng cứ buộc tội phải rõ ràng, thuyết phục.
"Nếu như xác định oan sai và đủ căn cứ kết luận điều tra viên đã ép cung, dùng nhục hình đối với bị can, bị cáo thì phải xử lý theo Điều 298 (tội dùng nhục hình) và Điều 299 (tội bức cung) của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế như tôi được biết thì ở Việt Nam chưa từng có điều tra viên, kiểm sát viên nào bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội ép cung, dùng nhục hình. Trong quá trình hành nghề, tôi từng gặp rất nhiều bị can tố việc bị ép cung, mớm cung, tuy nhiên, những lời tố cáo này thường bị các điều tra viên phủ nhận. Hơn nữa, các cơ quan tố tụng thường "bảo vệ nhau" và thực tế những việc đó không có chứng cứ trực tiếp nên cũng rất khó xác định. Kể cả trường hợp bị can được đi giám định thương tật thì cũng không được chấp nhận và nếu có chấp nhận cũng rất khó vì điều tra viên có cách lấy lời khai bằng "nghiệp vụ" khiến bị can phải nhận tội và khi được đi giám định thì cũng chẳng còn gì mà giám định", LS. Quang Anh nói.
Chính vì vậy, thực tế có vẻ như không ủng hộ ông Nguyễn Thanh Chấn bởi từ trước tới nay tại nước ta, tiền lệ chưa từng ghi nhận bất cứ trường hợp cán bộ (CQĐT, VKS, TA) bị truy tố, xét xử vì việc gây oan sai. Nói về vấn đề này, ông Đỗ Văn Chỉnh - nguyên thẩm phán TANDTC khẳng định: "Trong ngành tòa án tôi chưa biết có trường hợp cán bộ nào bị truy tố trước pháp luật vì kết tội, xử oan sai cho người vô tội cả. Họ chỉ bị kỷ luật ở mức khiển trách, cao nhất là chậm tái bổ nhiệm...".
Long Nguyễn - Cao Tuân