Ngày 9/10, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà, đơn vị cung cấp nước sạch phát hiện ra việc nguồn nước bị ô nhiễm hoặc có khả năng bị ô nhiễm, nhưng không có biện pháp xử lý cũng như kịp thời báo cơ quan chức năng phối hợp nhằm ngăn chặn hay cảnh báo tới người dân sử dụng nguồn nước của đơn vị này cung cấp.
Khả năng nguy hại của chất lượng nguồn nước do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do năng lực quản lý của ban lãnh đạo yếu kém hoặc là sự thờ ơ vô cảm của 1 bộ phận cán bộ công ty đối với sức khỏe của người dân.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Thanh Hải, Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhận định, các cơ quan chức năng cần phải khởi tố vụ án để điều tra làm rõ trách nhiệm các đơn vị có liên quan, đặc biệt là đối với công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà.
Theo luật sư Hải, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng, dù với bất cứ lý do gì thì khi hậu quả xảy ra, người dân vẫn là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Do vậy thiết nghĩ cơ quan CSĐT nên khởi tố vụ án để điều tra làm rõ động cơ, mục đích của cá nhân, đơn vị gây ra sự việc ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trên, cũng như khi nguồn nước bị ô nhiễm mà vẫn cung cấp cho người dân sử dụng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hải phân tích, theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Thông tư 41/2017/TT-BYT quy định về trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước: ”Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp”.
Tại Thông tư 41/2017/TT-BYT quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quy định rất rõ khi có nghi ngờ về chất lượng nước thành phẩm qua theo dõi báo cáo tình hình chất lượng nước định kỳ, đột xuất của đơn vị cấp nước… cơ quan chức năng sẽ tiến hành ngoại kiểm đột xuất: Lấy mẫu và thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 5 của Quy chuẩn…;
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày có kết quả ngoại kiểm chất lượng nước sạch, cơ quan thực hiện ngoại kiểm thông báo bằng văn bản cho đơn vị cấp nước được ngoại kiểm; công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan thực hiện ngoại kiểm; thông báo cho đơn vị có thẩm quyền lựa chọn đơn vị cấp nước và cơ quan chủ quản đơn vị cấp nước đã được ngoại kiểm (nếu có) về kết quả ngoại kiểm.
Quy trình là thế, tuy nhiên khi xảy ra việc ô nhiễm nguồn nước, đơn vị cung cấp nước đã không thông báo đến các cơ quan chức năng để phối hợp, giải quyết kịp thời.
“Do vậy, dù với bất cứ lý do gì đi chăng nữa thì khi để xảy ra sự việc trên trách nhiệm trước tiên thuộc về đơn vị cung cấp. Việc nguồn nước bị ô nhiễm mà vẫn cung cấp cho người dân là hành vi thiếu trách nhiệm, vô cảm và cần phải bị xử lý. Việc xử lý như thế nào thì phụ thuộc vào mức độ, hành vi và hậu quả để có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Hải nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Thanh Hải còn cho biết thêm, hiện nay 1 số người dân bị ảnh hưởng do nguồn nước bị ô nhiễm, thiệt hại về tài sản cũng như các chi phí khám chữa bệnh… có thể khởi kiện đơn vị cung cấp nước yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, theo luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) nhận định, ngoài công ty cấp nước Sông Đà phải chịu trách nhiệm, thì sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cũng là đơn vị phải chịu trách nhiệm
Bởi, sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo (đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, đảo); quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ công về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Sở.
Tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước liên quốc gia theo thẩm quyền; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo đảm nguồn nước phục vụ cung cấp nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước.
“Thế nhưng, có thể nói trong trường hợp này Sở đã không làm tốt nhiệm vụ theo dõi, phát hiện ra sự cố. Cho dù, hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức nhưng không thể nói sở Tài nguyên và Môi trường không có trách nhiệm”, luật sư Bình cho biết.
Lê Liên - Đặng Thủy