Khảo sát của Hội đồng Đại Tây Dương công bố tháng 5/2024 đã đánh giá tình hình quản lý tài sản số ở 60 quốc gia, cung cấp cái nhìn toàn diện về bối cảnh pháp lý quốc tế. Theo khảo sát này, có 4 khía cạnh quan trọng cần được đánh giá trong khung pháp lý về tài sản số, bao gồm: Chính sách thuế; chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (AML/CFT); bảo vệ người tiêu dùng và chính sách cấp phép, cấm của Chính phủ.
Hiện nay, 33 quốc gia (chiếm 55%) đã hợp pháp hóa tài sản số, trong khi 17 quốc gia chỉ cấm một phần và 10 quốc gia cấm hoàn toàn hoạt động liên quan đến tài sản số. Đáng chú ý, 12 quốc gia thuộc nhóm G20 - chiếm 57% GDP toàn cầu - đều nằm trong nhóm các quốc gia hợp pháp hóa hoàn toàn tài sản số trên cả 4 tiêu chí kể trên.
Điều này cho thấy sự phát triển nhanh chóng của khung pháp lý về tài sản số tại các nền kinh tế lớn. Đáng chú ý, Việt Nam và Trung Quốc đều nằm trong nhóm 10 quốc gia cấm hoàn toàn.
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã mạnh dạn đưa khái niệm “tài sản số” vào Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số lần này. Đây là một bước tiến quan trọng, cho thấy sự chủ động trong việc bắt kịp xu hướng quốc tế và những thay đổi mang tính đột phá trong nền kinh tế số.
Trong quá trình tiếp thu ý kiến từ các tổ chức, đơn vị và địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thể hiện tinh thần lắng nghe và điều chỉnh rất quyết đoán, giúp khái niệm “tài sản số” có thể bao quát được đầy đủ nội hàm và phù hợp với xu hướng phát triển toàn cầu.
Việc đưa ra một khung pháp lý rõ ràng và toàn diện về tài sản số sẽ giúp Việt Nam nắm bắt tốt hơn những cơ hội trong cuộc cách mạng công nghệ số. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Việc tiếp cận này không chỉ giúp bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, mặc dù chưa có luật nhưng thực tế tài sản số hay tiền ảo đã rất phát triển. Theo số liệu từ Chainalysis, trong giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 7/2023, dòng tiền mã hóa chảy vào Việt Nam đã đạt con số ấn tượng 120 tỷ USD, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước đó là 100 tỷ USD.
Điều này cho thấy Việt Nam đang trở thành một điểm nóng trong giao dịch tài sản mã hóa. Đồng thời, theo báo cáo từ Triple-A, Việt Nam hiện đứng thứ 7 trên toàn cầu về tỉ lệ dân số nắm giữ tài sản mã hóa vào năm 2024.
Những con số này không chỉ là minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng của thị trường tiền mã hóa tại Việt Nam mà còn đặt ra một thách thức lớn. Làm thế nào để chính thức hóa dòng tiền này để quản lý chặt chẽ và biến nó thành nguồn đóng góp thực tế vào GDP thay vì chỉ tồn tại trong nền kinh tế ngầm?
Điều này cũng đặt ra một vấn đề cho các doanh nhân Việt Nam: Tại sao chúng ta chưa tận dụng được tiềm năng từ dòng chảy tiền mã hóa này, mà để nó vận hành tự do, không được kiểm soát và khai thác hiệu quả? Nếu các doanh nghiệp Việt Nam cùng phối hợp với các cơ quan quản lý để đưa ra chiến lược phát triển hợp lý, chắc chắn lĩnh vực tiền mã hóa sẽ trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai, đồng thời tạo ra cơ hội lớn để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững.
Cũng cần phải nói thêm rằng, đối với một lĩnh vực có sự thay đổi nhanh chóng như Blockchain, khiến hành lang pháp lý khó theo kịp thì vai trò và sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giám sát thực thi các quy định pháp lý và tiêu chuẩn đạo đức, góp phần thúc đẩy thị trường tài sản số phát triển lành mạnh và bền vững.
Thực tế, tiềm năng của tài sản mã hóa không chỉ dừng lại ở việc đầu tư và giao dịch mà còn có thể mở rộng sang các lĩnh vực như fintech hay logistic. Nếu được quản lý tốt, những dòng tiền này sẽ trở thành một công cụ quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế số và đưa Việt Nam vươn tầm quốc tế trong lĩnh vực tài chính công nghệ.
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, khi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống và kinh tế. Việc ra đời của Luật Công nghiệp Công nghệ số, với sự xuất hiện chính thức của tài sản số, sẽ đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho việc xây dựng các hành lang pháp lý nhanh chóng và hiệu quả.
Điều này, sẽ giúp Chính phủ và các cơ quan quản lý có cơ sở pháp lý rõ ràng để ban hành các chính sách khuyến khích, điều chỉnh cũng như quản lý phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế số ngày càng phát triển.
Bên cạnh đó, các quan hệ dân sự cũng sẽ được điều chỉnh hợp lý, dựa trên nền tảng của các bộ luật cơ bản như Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác.
Tuy nhiên, việc ban hành luật chỉ là bước đầu tiên. Sau khi luật có hiệu lực, cần có sự đồng hành từ các địa phương, thông qua các chính sách thu hút cụ thể nhằm tạo ra các khu kinh tế số sạch, lành mạnh và hiệu quả. Đây sẽ là những hạt nhân thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số tại Việt Nam, đồng thời hoàn thiện hệ thống chính sách và chiến lược phát triển quốc gia trong thời đại số.
Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực hiệp hội Blockchain Việt Nam