"Theo tôi, việc diệt chuột vào thời điểm này là cực kỳ cần thiết. Bởi vì, nếu để đến mùa chúng sinh sản (thường tháng 4, tháng 5 hằng năm), số chuột con sẽ sinh ra và tiếp tục đi lây bệnh", TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu nhận định.
Cùng quan điểm, BS. Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết: "Những nơi chuột thường tập trung nhiều ở mức báo động là các chợ, bến xe, kho bãi, các dãy nhà trọ, dọc các con kênh... Còn chung cư nếu vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng thì sẽ không có chỗ cho chuột trú ngụ. Việc tiêu diệt chuột trên diện rộng toàn cộng đồng thì rất khó nhưng chúng ta vẫn phải làm bằng được. Những ngày này, người dân khi thấy khu vực nhà mình có nhiều chuột có thể báo ngay cho y tế dự phòng địa phương đến giúp đỡ tiêu diệt".
Người dân đang tìm mọi cách để tiêu diệt chuột.
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu cho biết thêm, chuột mang virus Hanta ở Việt Nam không phải là hiếm. Nếu kiểm nghiệm chuột ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước thì chắc chắn sẽ có rất nhiều nơi bị nhiễm.
Thực tế cho thấy, không phải người nào tiếp xúc với chuột có virus Hanta đều bị bệnh. Trong 10 năm qua ở Việt Nam chỉ phát hiện 3 ca bệnh nhân bị nhiễm virus Hanta, mặc dù ở Việt Nam chuột xuất hiện ở khắp mọi nơi, tần suất con người tiếp xúc với chuột cũng rất cao.
Hiện nay, chuột ngoài truyền nhiễn virus Hanta, chuột còn gây ra nhiều bệnh khác. Nếu bị chuột cắn, con người có thể bị uốn ván, nhiều trường hợp bị dại do chuột cắn, chuột còn có thể gây dịch hạch...
Song Công