Tại phiên tòa phúc thẩm vụ án buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức xảy ra tại công ty Cổ phần VN Pharma, bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng Giám đốc công ty Cổ phần VN Pharma phủ nhận việc chi 7,5 tỷ đồng làm chi phí “hoa hồng” cho bác sĩ.
Theo bị cáo Hùng, do mình bị bắt nên không biết chi 7,5 tỷ đồng cho những khoản nào. Tất cả những khoản chi của công ty chỉ phục vụ việc mua bán, chăm sóc khách hàng, hoàn toàn không có việc công ty Cổ phần VN Pharma dùng tiền chi cho các bác sĩ bệnh viện để tiêu thụ thuốc...
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 8/2017, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Hùng mức án 12 năm tù giam về tội Buôn lậu, đồng thời đề nghị cơ quan an ninh điều tra bộ Công an, VKSND Tối cao tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của các cán bộ liên quan, trong đó có các cán bộ của bộ Y tế; đề nghị điều tra hành vi chi “hoa hồng” 7,5 tỷ đồng.
Liên quan đến thông tin bị cáo Hùng phủ nhận lời khai về việc chi hoa hồng, điều mà dư luận quan tâm là số tiền 7,5 tỷ đồng đó được “quay vòng” như thế nào, ai là người nhận và có hay không bản danh sách “hoa hồng đen” tạo ra những “bàn tay bẩn” tiếp tay cho hoạt động phi pháp của VN Pharma?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Hồ Quốc Thái, nguyên Phó Viện trưởng viện Phúc thẩm 1, VKSND Tối cao cho rằng: “Khó có thể truy đến cùng số tiền 7,5 tỷ đồng đó chi vào việc gì. Các khoản chi phí này đều không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Khoản tiền này cũng không được VN Pharma thể hiện ở sổ sách công ty”.
Cũng theo ông Hồ Quốc Thái, trên thực tế có tồn tại việc các bác sĩ nhận tiền hoa hồng của các hãng dược, nhưng đó là luật bất thành văn. Chẳng có bác sĩ nào lại ký vào biên bản nhận tiền “hoa hồng” cả. “Để truy đến cùng việc có chi “hoa hồng” cho các bác sĩ hay không là rất khó (nhưng không phải không làm được-PV). Khi không có bằng chứng để chứng minh chi vào việc gì, bị cáo phải chịu trách nhiệm về số tiền đó”, ông Thái nhận định.
“Việc kê đơn ăn “hoa hồng”, “bôi trơn” là phổ biến của ngành Y tế và khó có thể chứng minh số tiền chi "hoa hồng" như thế nào? Đây không phải lần đầu tiên ngành Y tế dính đến lùm xùm về việc nhận tiền “bôi trơn”, “hoa hồng” của các hãng dược. Năm 2014, dư luận đã giật mình trước nghi án Bio-Rad hối lộ quan chức ngành Y tế Việt Nam 2,2 triệu USD để có được các hợp đồng mua bán sản phẩm của hãng này. Phía bộ Y tế đã nhanh chóng yêu cầu báo cáo và ngay sau đó, có tới 30 đơn vị thừa nhận đã mua sản phẩm của Bio-Rad”, ông Thái dẫn chứng.
LS. Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng vụ Trung ương 1, ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Cơ quan điều tra cần làm rõ, 7,5 tỷ đồng này chi cho ai? Cho những loại thuốc nào? Vì VN Pharma đã cung ứng nhiều loại thuốc khác chứ không chỉ thuốc H-Capita. Thuốc H-Capita bị nằm trong kho, chưa đưa ra thị trường thì làm sao mà kê chi "hoa hồng"? Bị cáo phủ nhận chi tiền "hoa hồng" cho bác sĩ, cơ quan điều tra cần làm rõ 7,5 tỷ đồng này chi những đối tượng nào?”.
Được biết, để luân chuyển dòng tiền “hoa hồng”, các cá nhân trong công ty Cổ phần VN Pharma mở sổ tiết kiệm tại một số ngân hàng và chi "hoa hồng" thông qua tài khoản của các doanh nghiệp mà họ lập ở nước ngoài như công ty Sa Chempha ở Campuchia, công ty Sigma Holding và công ty Auspicious ở Hồng Kông.
“Dòng tiền được luân chuyển ra nước ngoài có được “quay vòng” về trong nước, vào túi những ai, vấn đề này cũng cần được làm rõ và nếu quyết tâm sẽ điều tra ra được”, LS. Xiểm nói.
N.Giang