Những khập khiễng, bất cập trong tuyển dụng
Sau sự việc trên, trao đổi với PV, nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục, giáo sư, viện sĩ Phạm Minh Hạc tỏ ra băn khoăn về những bất cập, lỗ hổng trong công tác tuyển dụng giáo viên ở nước ta hiện nay. Theo GS. Phạm Minh Hạc, sự việc Yên Bái chỉ là một giọt nước làm tràn ly, làm rộ lên cả nước về vấn đề giáo dục. Nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục cho rằng, từ lâu nay công tác tuyển dụng, phân bổ giáo viên ở nước ta chứa đựng sự khập khiễng và bất cập. "Từ thời tôi làm quản lý giáo dục, làm bộ trưởng tôi đã nói rất nhiều về vấn đề này. Cái bất cập, khập khiễng lớn nhất chính là công tác tuyển dụng giáo viên, nhà giáo mà lại do cơ quan nội vụ tuyển. Ví dụ ở huyện thì có phòng Nội vụ tuyển, ở tỉnh thì do sở Nội vụ tuyển, lên cao hơn thì do bộ Nội vụ tuyển. Việc tuyển giáo viên là để phục vụ cho ngành giáo dục thì phải để ngành giáo dục tuyển dụng, vì họ cần bao nhiêu, cơ cấu giáo viên ra sao thì họ mới tuyển trúng và đúng được", nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc phân tích những khập khiễng trong việc tuyển dụng giáo viên hiện nay.
Cuộc đối thoại "lịch sử" giữa Chủ tịch tỉnh và giáo viên huyện Yên Bình.
Cũng theo nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc, chính vì sự khập khiễng đó cho nên mới sinh ra việc thừa - thiếu và những hệ lụy đi theo nó. Nếu vẫn sử dụng cơ chế, chính sách đó để tuyển dụng thì không phải chỉ một Yên Bình mà sẽ có nhiều Yên Bình. GS. Phạm Minh Hạc lấy ví dụ, một trường A có nhu cầu tuyển dụng 10 giáo viên, trong đó có 5 giáo viên toán, 2 giáo viên văn và 3 giáo viên sử. Nhưng nếu vẫn theo cách tuyển truyền thống (ngành nội vụ tuyển) thì có khi cơ cấu giáo viên lại ngược lại, 5 giáo viên văn, 2 giáo viên sử, 3 giáo viên toán. "Việc này đã từng xảy ra rồi. Một khi cơ quan tuyển dụng lao động và cơ quan sử dụng lao động khác nhau, không phải là một thì sẽ còn những bất cập như thế", GS. Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.
Sở dĩ sự việc 212 giáo viên ở huyện Yên Bình - Yên Bái đã khiến dư luận cả nước hết sức quan tâm, bởi lẽ một phần là cần bảo vệ quyền được dạy của những nhà giáo này. Phần khác, đây chính là biểu hiện cụ thể nhất của những bất cập trong tuyển dụng mà GS. Phạm Minh Hạc đã phân tích ở trên. Theo GS. Hạc đây là một vấn đề rất lớn, nó phản ánh sự không phù hợp trong cơ cấu tuyển dụng giáo viên ở nước ta hiện nay. Vấn đề then chốt này không được giải quyết thì sẽ nảy sinh nhiều Yên Bình khác. Khi trao đổi với PV, nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận một câu mà sẽ khiến nhiều người phải suy ngẫm "Thân làm tướng mà không được tuyển quân, không được điều quân thì ra trận làm sao mà thắng được. Tướng chỉ được đánh trên giấy thì khó nắm phần thắng lắm".
Sự việc trên đã khiến đích thân chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Duy Cường đã phải gặp gỡ, đối thoại với những giáo viên bị cắt biên chế tại huyện Yên Bình. Tại buổi đối thoại này, ông Phạm Duy Cường thẳng thắn chỉ rõ khuyết điểm của UBND huyện Yên Bình khi lợi dụng Quyết định 13 về quyền tự chủ, phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức của UBND tỉnh. Cụ thể, UBND huyện Yên Bình đã không công khai, dân chủ, không báo cáo lãnh đạo tỉnh về việc tuyển dụng vượt chỉ tiêu tỉnh giao 212 giáo viên, nhân viên từ mầm non đến THCS, tuyển sai quy định, thừa cơ cấu ban môn với cấp THCS.
Nguyên nhân của câu chuyện "động trời" này bắt nguồn từ năm 2010 - 2011, khi lãnh đạo huyện Yên Bình tuyển dụng vượt mức biên chế, quy mô lên tới 212 người. Để "sửa sai" cho việc tuyển dụng vượt quá mức này, lãnh đạo huyện Yên Bình đã quyết định sa thải 80 giáo viên mầm non và điều chuyển công tác nhiều giáo viên khác trong địa bàn.
Tại buổi đối thoại, người đứng đầu UBND tỉnh Yên Bái đã có những động thái xoa dịu các nhà giáo. Theo đó, tỉnh hủy quyết định tuyển dụng 80 giáo viên mầm non mà huyện ký sai và các nhà giáo sẽ được ký hợp đồng dài hạn, được ổn định công tác tại trường cũ. Những giáo viên này sẽ được đảm bảo mọi chế độ, chính sách và quyền lợi theo quy định của Nhà nước. "Đối với 39 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở đã tiếp nhận tuyển dụng sai quy trình thì cho phép ở lại, giữ nguyên các chính sách chế độ, quyền lợi và bố trí vào số biên chế đã giao của huyện Yên Bình. Số giáo viên, nhân viên "thừa" còn lại sẽ được đưa đến các trường dự kiến có giáo viên, nhân viên nghỉ trong năm 2013 và những năm tới", chủ tịch tỉnh Yên Bái khẳng định.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, pháp luật không cho phép sa thải một lúc 80 giáo viên như vậy.
Sẽ hoàn thành việc sắp xếp công việc trước Tết
Sau cuộc đối thoại, trao đổi với PV báo ĐS&PL về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Vân, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Yên Bình cho biết: Đến giờ này (chiều 28/1/2013), chúng tôi vẫn chưa nhận được kết luận cũng như công bố chính thức nào của chủ tịch tỉnh. Tuy nhiên, theo chỉ đạo chung, trên tinh thần không can thiệp một cách chi tiết việc bố trí người này đi đâu, làm gì, công tác ở đâu, mà để cho phòng giáo dục cũng như huyện Yên Bình trực tiếp xem xét, bố trí sắp xếp, trong buổi đối thoại trực tiếp, chủ tịch đã khẳng định: Tất cả mọi việc phải được hoàn thành trước Tết Âm lịch. Ban lãnh đạo phòng giáo dục huyện đã ngay lập tức họp bàn phương án để sắp xếp bố trí công tác cho các giáo viên đúng theo tinh thần chỉ đạo của chủ tịch tỉnh.
"Chúng tôi đã gửi danh sách sắp xếp công việc của các giáo viên trên địa bàn huyện tới sở Giáo dục và Đào tạo, sở Nội vụ. Lãnh đạo sở Nội vụ đã có người tiếp nhận còn phía lãnh đạo sở Giáo dục và Đào tạo đang bận đi công tác Mù Cang Chải. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang phải chờ hai sở phối hợp để đưa ra kết luận. Mọi công tác đều khẩn trương và sẽ hoàn thành trước Tết Âm lịch như sự chỉ đạo của chủ tịch tỉnh", bà Vân thẳng thắn cho biết.
GS. Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội), một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng buồn ở Yên Bình là do cơ chế biên chế của ngành giáo dục còn có những bất cập. Ở nhiều địa phương, việc phân bổ chỉ tiêu là không đúng, không hợp lý. Những chỉ tiêu hành chính rất máy móc, nhiều khi làm khó địa phương. Ví dụ như quy định của bộ GD - ĐT quy định, mỗi lớp học không quá 35 học sinh nhưng trên thực tế đa số lớp đều trên 50 học sinh. "Ở miền núi, có thể lớp học không đông đến như vậy nhưng vẫn có tình trạng ghép ba bốn khối ngồi chung một lớp. Những lớp đông, lớp ghép như vậy nếu chỉ bố trí biên chế một giáo viên liệu có hợp lý không? Tôi cho rằng là không hợp lý", GS. Thuyết chia sẻ.
Cần điều tra làm rõ trách nhiệm của những người đã nhận tiền Liên quan đến quyết đinh sa thải 80 giáo viên mà huyện Yên Bình đã thực hiện trước đó, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đó là một quyết định thiếu tình người. Dù có thừa biên chế cũng không thể đối xử với con người như thế. Huống chi đây là những nhà giáo. "Nếu có khuất tất thì trước hết những người nhận tiền của giáo viên để cho họ vào các trường phải chịu trách nhiệm. Dư luận nói rất nhiều về chạy chức chạy quyền, hối lộ rồi. Tôi nghĩ cơ quan chức năng phải điều tra làm rõ trách nhiệm của những người đã nhận tiền đó. Về mặt pháp luật, không có căn cứ nào để thải loại một lúc 80 giáo viên như ở Yên Bái cả", GS. Nguyễn Minh Thuyết bức xúc cho biết. |
Dương Thu - Hà Khê