Nhiều ứng dụng hoạt động cùng lúc
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, nhiều Bộ, ngành đưa vào sử dụng hàng loạt ứng dụng để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 như: Bluezone, VHD, Sổ sức khỏe điện tử; tokhaiyte.vn; suckhoe.dancuquocgia.gov.vn...
Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng triển khai các nền tảng công nghệ khai báo y tế và quản lý vào ra các địa điểm công cộng bằng QR Code; nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; nền tảng quản lý lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; nền tảng hỗ trợ truy vết; nền tảng giám sát cách ly; nền tảng phân tích số liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo…
Viettel và MobiFone cũng xây dựng ứng dụng khai báo y tế với tên gọi lần lượt là Sức khỏe Việt Nam và nCovi. Theo giới thiệu của MobiFone, ứng dụng nCovi được sử dụng với mục đích khai báo y tế cho riêng đội ngũ cán bộ, nhân viên thuộc doanh nghiệp này, tuy nhiên, trên thực tế, các ứng dụng trên đều có tính năng khai báo toàn dân.
Mới đây nhất, ngày 8/9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) tiếp tục triển khai ứng dụng khai báo y tế điện tử VNEID và được Công an Tp.Hà Nội triển khai tại 67 chốt kiểm dịch trên khắp địa bàn thành phố.
Thế nhưng, điều bất cập là các ứng dụng trên đều độc lập và không có liên kết dữ liệu, gây nên rất nhiều bất tiện cho người dân.
Điển hình, sau khi Hà Nội, theo quy định, người dân muốn ra - vào Hà Nội phải có giấy tờ tùy thân, giấy xét nghiệm Covid-19 và khai báo y tế. Theo ghi nhận của phóng viên, chiều ngày 23/9, tại cửa ngõ Pháp Vân - “đường ra” khỏi Hà Nội của không ít người lại tiếp tục bị vướng vì một số thủ tục liên quan đến mã QR. Hàng chục người chen chúc nhau vào chốt khai báo y tế.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi chốt kiểm soát thực hiện việc kiểm soát mã QR thông qua ứng dụng http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, trong khi nhiều người dùng đủ loại ứng dụng khác nhau như Bluezone; tokhaiyte.vn… buộc phải thực hiện lại các bước như truy cập vào hệ thống, đăng ký tài khoản rồi mới có thể thực hiện được công tác khai báo mã QR.
Với những người trẻ, hoặc những người “rành” công nghệ thì có thể còn xử lý tình huống nhanh nhạy, tuy nhiên, với những người lớn tuổi hay người đau yếu thì khâu thủ tục này lại gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, cán bộ tại chốt liên tục phải giải đáp những thắc mắc, thậm chí, còn phải thao tác hộ cho một số trường hợp hoặc hướng dẫn khai báo thủ công.
Cầm khư khư trên tay đống hồ sơ bệnh án, giấy ra viện, CMND…, ông Nguyễn Văn Ngọc (70 tuổi, ở Hà Nam) cho biết, ông vừa được xuất viện sau một thời gian điều trị tại bệnh viện K. Thời gian ở viện, ông được bác sĩ hướng dẫn cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, nhưng đi qua chốt này thì lại phải thay đổi.
“Hai vợ chồng tôi già cả, có biết gì đâu, cái kia (Sổ sức khỏe điện tử- PV) cũng là nhờ bác sĩ cài hộ. Giờ máy chẳng có mạng, cũng không biết làm, đành xếp hàng nhờ cán bộ làm hộ vậy!”.
Một trường hợp khác tên Thanh, di chuyển từ Hà Tĩnh lên Bắc Giang, trước khi đi, vợ chồng chị đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết, xác nhận được tiêm phòng 2 mũi vắc-xin, điện thoại cũng cài sẵn ứng dụng Bluezone. Thế nhưng, khi qua trạm Pháp Vân, vợ chồng chị cũng phải chấp nhận cài ứng dụng mới theo hướng dẫn và thay nhau vào khai báo để cho kịp hành trình vì còn đứa con 11 tháng tuổi đang khóc ngằn ngặt trên xe.
Việc không có sự liên kết giữa các ứng dụng gây khó khăn cho người dân trong quá trình chấp hành quy định kiểm soát dịch bệnh cũng như khiến lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ tại chốt vô cùng vất vả. Tiếp xúc gần, tập trung đông là nguy cơ hiện hữu khiến dịch bệnh lây lan.
Khi được hỏi, một cán bộ đang thực thi nhiệm vụ tại chốt trực giải thích, mã QR từ ứng dụng http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, có thể sử dụng để lưu thông trên khắp địa bàn cả nước và những ai có mã này thì mới được qua chốt.
Cần sớm liên thông dữ liệu các ứng dụng
Trao đổi với Người Đưa Tin, Bác sĩ Lê Phương Uyên (Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương) nhận xét, chỉ thị 15 của Chính phủ đã nêu rõ, không tập trung trên 10 người tại khu vực công cộng và phải đảm bảo khoảng cách an toàn 2m, nhưng với tình trạng ùn ứ tại các điểm khai báo y tế, nếu trong đám đông có 1 F0 thôi, hậu quả sẽ khôn lường. Chưa kể, việc này còn ẩn chứa nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cán bộ khi thao tác trên điện thoại giúp người dân mà quên rửa tay sát khuẩn sau đó.
Liên quan vấn đề này, ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Hoàng Xuân Phong cho biết thêm, việc mỗi Bộ, ban, ngành triển khai xây dựng một ứng dụng riêng biệt như vậy còn gây ra sự lãng phí về mặt ngân sách. Do đó, cần thiết phải đẩy nhanh, đẩy mạnh công tác xây dựng thống nhất một ứng dụng điện tử để áp dụng trên toàn quốc. Điều đó sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình lao động, sản xuất, kinh doanh và lưu thông.