Cần luật đấu tranh chống tội phạm có tổ chức

Cần luật đấu tranh chống tội phạm có tổ chức

Thứ 3, 15/10/2013 10:22

Đó là nhận định của luật sư Nguyễn Thế Truyền, giám đốc công ty luật hợp danh Thiên Thanh xung quanh những vụ việc chủ mưu là người Việt, Việt kiều thuê giang hồ, tội phạm nước ngoài vào Việt Nam phạm tội.

Thực tế đáng báo động

Nguyên nhân nào khiến cho loại tội phạm hình sự có yếu tố nước ngoài gia tăng (điển hình vụ việc thuê người về Việt Nam giết người thân) trong thời gian qua, thưa luật sư?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này trong thời gian qua như khó khăn trong hợp tác quốc tế về thắt chặt đường biên giới, tìm hiểu thông tin tội phạm ở nước ngoài và dẫn độ tội phạm. Theo đánh giá, đầu tư cho công tác phòng chống các tội phạm có tính chất quốc tế hiện nay quá ít, không tương xứng với nhiệm vụ. Việc đấu tranh với tội phạm ngoại quốc không dễ do bất đồng ngôn ngữ, rào cản quan hệ ngoại giao.

Trong những năm gần đây, nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển nhanh chóng về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình phát triển này kéo theo những hoạt động phức tạp của các loại tội phạm nói chung, tội phạm có yếu tố nước ngoài nói riêng. Nó là một thực tế đáng báo động.

Luật sư - Cần luật đấu tranh chống tội phạm có tổ chức

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, giám đốc công ty luật hợp danh Thiên Thanh.

Như luật sư vừa nhận định, đây là thực tế đáng báo động. Vậy cơ quan chức năng cần làm gì để phòng ngừa loại tội phạm này?

Để phòng ngừa dạng tội phạm thuê người nước ngoài vào gây án trong nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các đơn vị công an cần kết hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền cơ sở, tổ dân phố để sớm phát hiện tất cả các băng, ổ nhóm tội phạm hiện đang hoạt động hoặc mới hình thành.

Nhà nước cần sớm ban hành luật Bảo vệ nhân chứng, bảo vệ quyền lợi, tính mạng, sức khỏe cho những người dân khi họ phối hợp, cộng tác, giúp đỡ các cơ quan pháp luật trong đấu tranh chống tội phạm. Cần có luật Đấu tranh chống tội phạm có tổ chức như nhiều nước đã làm, vì trong đó có chế tài trừng trị những kẻ là thành viên của các tổ chức tội phạm, dù mới tham gia tổ chức, chưa trực tiếp thực hiện những hành vi phạm tội. Đây là công cụ hữu hiệu nhất vừa để phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện nhen nhóm câu kết thành những băng nhóm với mục đích phạm tội, vừa để trừng trị một cách nghiêm khắc những kẻ cố tình tham gia tổ chức, những kẻ cầm đầu, chỉ huy mà khó tìm thấy chứng cứ phạm tội của chúng.

Cần nới rộng thời gian kiểm tra, xác minh

Với đối tượng là Việt kiều, thuê giang hồ nước ngoài về nước "xử" người thân (vợ, con, cha mẹ), đối tác làm ăn… phòng ngừa hành vi phạm tội như thế nào thưa ông?

Bộ Công an cần ban hành một quy trình quy định về: Việc tiếp nhận tin báo về tội phạm có yếu tố nước ngoài, thủ tục xử lý và giải quyết các nguồn tin trên cho đến khi kết thúc hồ sơ, chuyển vụ án tới viện Kiểm sát để đề nghị truy tố. Cần có quy định riêng, nới rộng hơn về thời gian kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm do người nước ngoài thực hiện.

 Công an các địa phương cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để quản lý tốt các đối tượng là người nước ngoài.

Theo luật sư, có những bất cập như thế nào khi đối tượng hình sự là người nước ngoài?

Khi xử lý các vụ án hình sự có liên quan đến yếu tố nước ngoài, chúng ta gặp nhiều vướng mắc, khó khăn khi tiến hành bắt khẩn cấp hoặc bắt bị can để tạm giam. Vì, phải tuân theo quy định của luật Tố tụng hình sự như: Đọc và giải thích lệnh bắt, hoạt động này thường phải có người phiên dịch. Khi thi hành lệnh bắt khẩn cấp cũng rất khó thực hiện, vì trường hợp bắt này mang tính cấp bách, người phiên dịch của ta còn ít, khả năng ngoại ngữ của lực lượng tiến hành bắt còn hạn chế.

Điều 24 BLTTHS cho phép người tham gia tố tụng được quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, vì thế một số đối tượng người nước ngoài đã lợi dụng điểm này, dù biết tiếng Anh nhưng họ vẫn cứ dùng ngôn ngữ bản địa giao dịch với cơ quan điều tra. Khi không giao dịch được thì khó khăn cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ ban đầu để bắt người phạm tội. 

Đối với những quốc gia chưa ký hiệp định dẫn độ tội phạm với Việt Nam, giang hồ nước ngoài được thuê vào Việt Nam phạm tội xong mới phát hiện, chúng đã về nước. Vậy những đối tượng đó sẽ xử lý như thế nào?

Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam; tùy theo mức độ hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp về hành chính hoặc hình sự. Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Việc áp dụng hình phạt nào là theo quy định pháp luật, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội từ hành vi phạm tội của đối tượng và do cơ quan tố tụng quyết định.

Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước ta, nếu thuộc đối tượng được hưởng các quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng đường ngoại giao.

Xin cảm ơn ông!

Ngân Giang - Hoàng Mai

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.