7 nguyên tắc xây dựng phục hồi kinh tế
Sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội. Một trong nhiều vấn đề đại biểu quan tâm đặt ra là tình hình giá cả, nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) hỏi: Các cơ sở để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn, như dòng vốn đứt đoạn, nguồn cung lao động thiếu, chuỗi cung cấp hàng hóa đứt gãy, đòi hỏi Chính phủ vừa phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ, vừa phải có những giải pháp ưu tiên. Trong đó, nguồn lực ngân sách đang khó khăn nên Việt Nam khó triển khai được các gói kích thích nền kinh tế như nhiều quốc gia khác. Là cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ, đề nghị Bộ trưởng cho biết cách tiếp cận, xây dựng các biện pháp để khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khôi phục nền kinh tế của Việt Nam?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Việt Nga, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết cách tiếp cận, quan điểm nguyên tắc xây dựng giải pháp phục hồi kinh tế có 7 vấn đề lớn.
Thứ nhất, sẽ tiếp cận theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19, khả năng cung ứng thuốc điều trị khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Từ đó, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản để đối phó.
Thứ hai, khi xây dựng chính sách theo hướng mở để có thể điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế của từng đối tượng trong thời gian cụ thể.
Thứ ba, vừa hỗ trợ phục hồi nhanh, ngắn hạn vừa lồng ghép với các chiến lược, kế hoạch 5 năm, dài hạn.
Thứ tư, các chính sách phải đảm bảo mục tiêu, trong đó cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô. Đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như an toàn tài chính quốc gia, hoạt động ổn định của các tổ chức tín dụng, các chỉ tiêu về nợ công, bội chi, lạm phát,…
Thứ năm, các chính sách này phải hướng tới tác động cả vế phía cung-cầu, kinh tế, an sinh xã hội, việc làm và phải có trọng tâm, trọng điểm
Thứ sáu, phải phù hợp với khả năng huy động và trả nợ.
Cuối cùng, phải có nhiệm vụ giải pháp để kiểm soát chặt chẽ hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra trong chương trình.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Tp. Hà Nội) đặt câu hỏi: Từ những làn sóng người lao động trở về quê trong đại dịch Covid, Bộ trưởng có suy nghĩ như thế nào về chiến lược đầu tư trên bình diện cả nước để hạn chế một cách căn cơ những làn sóng di cư tương tự như thế này trong tương lai không?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trí, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phải nhìn nhận vấn đề này theo hướng đầy đủ hơn, coi đây là vấn đề rất lớn liên quan đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, và đây là vấn đề chưa có tiền lệ, nên chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm để đối phó với vấn đề này.
Nhu cầu khách quan và chủ quan là khả năng dự báo, ứng phó, khả năng xử lý tình huống, đây là bài học quý mà chúng ta có thể rút ra trong thời gian vừa qua.
Ở góc độ đầu tư, Bộ trưởng cho biết có 4 vấn đề liên quan: Quy hoạch, đầu tư, cơ chế chính sách, xây dựng thị trường lao động.
“Để đảm bảo định hướng hài hòa, cần cân bằng phát triển giữa các vùng miền, địa phương, giảm hiện tượng này trong tương lai. Khi cung cầu lao động hợp lý thì lượng người di chuyển sẽ giảm đi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Khả năng “hấp thụ” nền kinh tế ra sao?
ĐBQH Nguyễn Cao Sơn (Đoàn Hoà Bình) chất vấn: Tình hình diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, khó dự báo, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao tác động đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng các giải pháp, kịch bản gì để ứng phó với các diễn biến phức tạp này, quản trị được các rủi ro, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đã xây dựng hai kịch bản, đó là có và không có chương trình phục hồi. Từ đó xác định nợ công, bội chi lạm phát cho từng kịch bản.
Bộ cũng đang tính toán việc sử dụng các công cụ, chính sách, tài khóa và tiền tệ như thế nào, khả năng “hấp thụ” nền kinh tế ra sao. Quan điểm là cần mạnh dạn hơn để phục hồi phát triển kinh tế, phục hồi doanh nghiệp, vừa tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, vừa tăng thu ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công, bội chi.
Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến về giá cả, nợ xấu,... điều chỉnh việc cung tiền để giảm áp lực lạm phát, bảo đảm nguồn cung nguyên nhiên vật liệu hàng hóa thiết yếu, đầu tư công phải có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo hiệu quả mang tính dẫn dắt những nguồn vốn ngoài nhà nước cùng tham gia.
Hơn 92% các doanh nghiệp phía Nam trở lại hoạt động
Tranh luận lại với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc phục hồi của các doanh nghiệp sau đại dịch còn nhiều vấn đề khó khăn.
“9 tháng đầu năm 2021 hơn 90 nghìn doanh nghiệp rút khỏi hiện trường, đây thường là doanh nghiệp nhỏ, vốn dưới 5 tỷ đồng. Nếu rút khỏi thị trường thì khó mà có thể quay lại thị trường”, đại biểu An nói.
Từ đó, ông cho rằng cần phải quan tâm đến doanh nghiệp này, cụ thể là, cần phải quan tâm đến doanh nghiệp hết tiền tái sản xuất.
“Doanh nghiệp bị giải thể, vai trò hệ thống ngân hàng trong hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ như thế nào?”, đại biểu An đặt câu hỏi.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua.
"Khó khăn đầu tiên do tổng thầu, sản lượng, doanh thu giảm mạnh; khó khăn thứ 2 là do dòng tiền; thứ ba là chi phí đầu vào, vận chuyển tăng rất cao; thứ tư là thiếu hụt vật tư đầu vào; thứ năm là chuỗi cung ứng, lưu thông khó khăn; thứ sáu là khó khăn về chuyên gia, người lao động", Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi có Nghị quyết 128 thì tinh thần của doanh nghiệp đã phấn khởi, quay trở lại hoạt động.
“Đã có hơn 92% các doanh nghiệp phía Nam trở lại hoạt động, 70-75% lao động quay trở lại, dự tính quý I năm sau thì doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 100%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết, dù như vậy hiện nay vẫn còn 5 khó khăn đối với doanh nghiệp.
“Thứ nhất là nguồn vốn và dòng tiền, thứ 2 chi phí vật liệu nguồn vào ở mức cao, thứ 3 là thiếu hụt lao động, thứ tư là chi phí phòng chống dịch, thứ 5 là việc thực thi các quy định phòng chống dịch ở các cấp chưa được thống nhất, còn cản trở doanh nghiệp”, Bộ trưởng thông tin.
Thừa nhận thực trạng mà đại biểu An nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết vừa qua các chính sách hỗ trợ mới chủ yếu hướng tới “doanh nghiệp khỏe”, có doanh thu, có lợi nhuận. Song, doanh nghiệp yếu, bị mất doanh thu thì chưa được quan tâm, hỗ trợ đúng mức.
Các doanh nghiệp nhỏ chưa được hỗ trợ trực tiếp bằng các chính sách tài khóa, mới chủ yếu là chính sách chung.
“Chúng tôi lưu ý vấn đề này để tham mưu Chính phủ có chính sách cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn mà không có doanh thu, không có lợi nhuận tránh đổ vỡ trong thời gian tới”, Bộ trưởng Dũng nói.
Hoàng Bích - Hồng Bích