Thời gian qua, không ít các chương trình biểu diễn văn hoá nghệ thuật bị cơ quan chức năng "tuýt còi" vì đăng ký một đằng, trình diễn một kiểu, hoặc có những hình ảnh trái với thuần phong mĩ tục. Tuy nhiên, một điều lạ là các vụ vi phạm quy chế biểu diễn không vì thế mà giảm đi; thậm chí có đơn vị còn liên tục vi phạm. Câu hỏi đặt ra là các đơn vị này đã "nhờn thuốc", không còn sợ pháp luật hay vì số tiền thu được lớn hơn gấp nhiều lần số tiền bị xử phạt nên chẳng ai "ngại" vi phạm?
Người mẫu biểu diễn nội y phản cảm trong chương trình "Đêm hội chân dài 7".
"Treo đầu dê bán thịt chó"
Vụ việc vi phạm quy chế biểu diễn ồn ào gần đây nhất chính là chương trình biểu diễn thời trang "Đêm hội chân dài 7" do công ty Venus của "ông trùm chân dài" Vũ Khắc Tiệp tổ chức. Trước khi chương trình diễn ra, phòng Nghiệp vụ của sở VH-TT-DL TP.HCM đã trực tiếp làm việc tại buổi tổng duyệt chương trình và không thấy có sai phạm gì. Tuy nhiên, trong buổi biểu diễn chính thức thì đơn vị này lại cho người mẫu trình diễn "nội y quá mát mẻ" và quảng cáo rượu - những nội dung không có trong buổi tổng duyệt. Như vậy là với hình thức "treo đầu dê, bán thịt chó", công ty Venus đã qua mắt cơ quan quản lý một cách trắng trợn.
Trước những cáo buộc "Đêm hội chân dài 7" biểu diễn trái phép, "ông bầu" Vũ Khắc Tiệp vẫn tự tin khẳng định với báo giới: "Chương trình không phúc khảo thì làm sao chúng tôi được cấp phép, biểu diễn? Có hẳn một Hội đồng phúc khảo, thanh tra ngay tại trận thì trá hình cái gì?" (Dẫn lại ý kiến này trên mạng. Người quản lý của Tiệp hẹn sau 18h gọi điện lại). Để làm rõ sự việc, sở VH-TT-DL TP.HCM đã phải vào cuộc thanh tra và có kết luận "Đêm hội chân dài 7" đã vi phạm quy định biểu diễn khi cố tình trình diễn những mẫu nội y trái phép rất phản cảm, những mẫu nội y mát mẻ này không có trong buổi tổng duyệt trước khi chương trình chính thức diễn ra.
Điều đáng nói là, đây không phải lần đầu tiên công ty Venus vi phạm quy chế biểu diễn. Trước đó, vào tháng 10/2011, chương trình thời trang "Model Look 2011" do Công ty này tổ chức cũng từng bị sở
VH-TT-DL TP.HCM xử phạt 7,5 triệu đồng với lý do "tự ý thay đổi tên chương trình và biểu diễn nội y không được phép". Phần trình diễn nội y hấp dẫn cũng không có trong buổi duyệt phúc khảo với sự có mặt của đại diện Sở trước khi chương trình chính thức diễn ra. Với lần vi phạm này, có thể Venus cũng bị phạt tới con số hàng chục triệu đồng nhưng liệu số tiền ấy có quá ít ỏi so với số lợi nhuận mà một đêm thời trang "bỏng" mắt mang lại?. "Bất cập trong quản lý văn hoá không còn là điều gì lạ lẫm nữa; đưa ra cũng nhiều, nói cũng mạnh nhưng quản lý thì vẫn chưa có hiệu quả. Quản lý xem ra rất chặt nhưng lại vẫn hở. Các khung xử phạt quá nhẹ, không nghiêm, chưa đủ tính răn đe nên liên tục xảy ra các vụ vi phạm là đương nhiên. Có chương trình khi khắc phục được lỗi vi phạm này, thì lại mắc vào lỗi vi phạm khác, sinh ra "nhờn thuốc".
Mức phạt vi phạm quy định biểu diễn tối đa 100 triệu đồng trong dự thảo mới đây nghe thì rất nặng nhưng nếu so sánh với lợi nhuận mà các đơn vị tổ chức thu được thì không đáng gì. Có thể họ bị phạt 100 triệu đồng nhưng lại thu về tới 500 triệu đồng, như thế thì tội gì không làm?. Để giảm bớt tình trạng này thì không đơn thuần chỉ phạt tiền là đủ; phạt phải ra phạt, phải có hình thức cấm hoạt động, cấm tổ chức biểu diễn nếu tiếp tục vi phạm thì mới đủ sức răn đe được", ông Dương Xuân Nam, nguyên tổng biên tập báo Tiền Phong cho ý kiến.
Người mẫu Hoàng Yến cho rằng nếu đánh đồng trách nhiệm với Ban tổ chức thì sẽ hơi thiệt thòi cho người mẫu.
Áp dụng xử lý hình sự
Không chỉ công ty Venus, thời gian qua rất nhiều các chương trình biểu diễn nghệ thuật cũng bị cơ quan chức năng "sờ gáy" vì vi phạm quy định biểu diễn. Sở VH-TT-DL TP.HCM từng phạt đơn vị tổ chức biểu diễn chương trình thời trang "Đêm phong cách" số tiền 9 triệu đồng vì biểu diễn trang phục không đúng nội dung được duyệt. Chương trình thời trang "Diamond Night" cũng bị phạt 11 triệu đồng vì lý do tương tự. Các chương trình biểu diễn ca nhạc "ầm ĩ" vì chuyện vi phạm quy chế cũng không hiếm. Liveshow của ca sĩ hải ngoại Chế Linh từng gây xôn xao dư luận trong một thời gian xung quanh việc cấp phép biểu diễn. Chương trình "Tình khúc vượt thời gian & nhạc sĩ Lam Phương" do công ty Giải trí Âm nhạc Bước nhảy (Jet Studio) tổ chức, dự kiến diễn ra vào đêm 25/5 tại Nhà hát Bến Thành cũng gặp phải sự phản ứng của Bến Thành Audio - Video vì cho rằng chương trình này vi phạm tác quyền khi đăng quảng cáo bán vé trên một số báo mà không được phép của họ...
Về vấn đề xử phạt vi phạm quy chế biểu diễn hiện nay, Luật sư Huy An (văn phòng luật sư Huy An) cho biết: "Việc xử phạt các chương trình vi phạm quy định biểu diễn như biểu diễn trá hình nội y phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan nhưng thường sẽ có hai hình thức là xử phạt hành chính và xử phạt hình sự; xử phạt bao nhiêu, như thế nào phụ thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm. Trường hợp, nếu chương trình có dấu hiệu của việc tuyên truyền văn hoá phẩm đồi truỵ và cơ quan điều tra xác định được thì có thể khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp cơ quan hành chính xác định vi phạm quá xử lý hành chính, thì có thể chuyển cho cơ quan điều tra khởi tố theo pháp luật. Tuy nhiên, đến nay, chưa có vụ vi phạm quy định biểu diễn nào bị xử phạt hình sự cả.
Đối với các chương trình biểu diễn thì quy trình xử lý hành chính phải thật chặt chẽ theo quy định pháp luật mới có thể xử lý hình sự được. Những người đứng đầu tiến hành tổ chức sự kiện hoặc những người tham gia hành vi biểu diễn trái phép cũng có thể chịu trách nhiệm hình sự được bởi vì bản thân họ hiểu đây là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện. Mục đích của hình phạt là răn đe và giáo dục nhưng đối với những chương trình biểu diễn nghệ thuật thu hút được nhiều sự quan tâm thì mức phạt 50 hay 100 triệu đồng đối với họ cũng chẳng là gì. Mục đích đạt được lớn hơn nhiều so với số tiền mà họ bỏ ra và nhiều trường hợp sẵn sàng chịu phạt để làm. Họ coi thường mức phạt đó. Để giảm tải các vụ vi phạm thì ngoài việc tăng mức phạt hành chính cũng có thể xử lý hình sự một số vụ đối với những chương trình vi phạm nghiêm trọng quy định biểu diễn".
Người mẫu chỉ biết làm theo? Trong chương trình "Đêm hội chân dài 7" vừa qua, người mẫu Hoàng Yến cũng có mặt dưới hàng ghế khán giả. Cô cho biết: "Tôi nghĩ một người mẫu thì phải trình diễn được tất cả mọi trang phục, không ngại đồ tắm hay đồ nội y nhưng do mỗi nước có văn hoá và chuẩn mực khác nhau nên ở Việt Nam có những điều khoản không cho phép. Tôi nghĩ, nếu nói là biểu diễn "nội y trá hình" thì khắt khe quá vì tôi thấy đó cũng là một đêm diễn thời trang, một đêm hội thời trang như mọi năm thôi. Có thể do tôi là người mẫu nên có cái nhìn thoáng với người trong giới. Tuy nhiên, là người mẫu, chúng tôi không có quyền lựa chọn trang phục; chỉ cần đồ biểu diễn thời trang đừng quá hở hang đến mức phản cảm là được. Ban tổ chức là người nắm rõ kịch bản nhất, vì thế nên quy trách nhiệm sẽ về phía bên tổ chức, còn phía những người mẫu tham gia thì chỉ làm theo mà thôi. Nếu đánh đồng trách nhiệm như vậy sẽ thiệt thòi cho người mẫu vì, chúng tôi không có quyền ý kiến quá nhiều với chương trình…". Mức xử phạt còn quá nhẹ Trong cuộc họp tổng kết một năm thực hiện Chỉ thị 65/CT-BVHTT&DL của Bộ VH-TT-DL về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang diễn ra đầu tháng 5 mới đây, hầu hết các cơ quan quản lý đến nghệ sĩ đều cho rằng, mức xử phạt còn quá nhẹ với tình trạng sai phạm tràn lan của đời sống biểu diễn nghệ thuật vì mức phạt vài triệu đồng cho một sai phạm thì không đủ răn đe. Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến chỉ trích về sự bất cập trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý các sai phạm trong biểu diễn hiện nay. |
Loan Thanh