Hôm nay (6/12), Tổ chức Good Neighbors International (GNI) phối hợp với Cục trẻ em (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) tổ chức Hội thảo "Bảo vệ trẻ em: Từ phòng ngừa đến hỗ trợ" nhằm hưởng ứng thực hiện mục tiêu chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030.
Chương trình đề ra mục tiêu chung là bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu của chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Hoạt động của tổ chức quốc tế trong bảo vệ trẻ em
Trong bài phát biểu của mình, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng nhóm giáo dục và bảo vệ trẻ em GNI đã trích dẫn những con số biết nói: “Thông tin từ kỳ họp Quốc hội năm 2020, Việt Nam có gần 157 nghìn trẻ em bị bỏ rơi (bao gồm những trẻ em sống xa bố mẹ từ 6 tháng trở lên). Số trẻ em tảo hôn là hơn 13 nghìn trẻ (trẻ em từ 15 tuổi), hơn 8 nghìn trẻ em bị xâm hại và được phát hiện và hơn 790 nghìn trẻ em đang phải lao động”.
Trước thực trạng đáng báo động trên, các tổ chức phi Chính phủ đang có những hoạt động sôi nổi tại Việt Nam để bảo vệ trẻ em.
Theo đó, các chương trình được xây dựng theo từng cấp học để phù hợp với các đối tượng khác nhau.
Bà Mai cho biết: “Với chương trình bảo vệ trẻ em ở cấp độ phòng ngừa đối với khối tiểu học. Chúng tôi chú trọng giáo dục quyền trẻ em, nâng cao năng lực bảo vệ bản thân, nhằm cung cấp kiến thức về quyền trẻ em. Giúp trẻ nhận thức được các tình huống nguy hiểm, biết được 4 nhóm quyền của trẻ”.
Đối với khối THCS, triển khai phòng tham vấn học đường với mục tiêu phòng ngừa các vấn đề về bạo lực học đường, xâm hại, vấn đề sức khỏe tinh thần. Với tiêu chí chuyên nghiệp, chuyên môn, chuyên trách.
Đặc biệt, phát triển chương trình giáo dục giới tính toàn diện liên quan đến bình đẳng giới, xâm hại tình dục, giáo dục giới tính, kết hôn sớm.
Sau thời gian dài thự hiện, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai đã đúc kết những bài học kinh nghiệm và mong muốn cùng thảo luận trong chương trình.
Theo đó, bài học giáo dục cho trẻ em trong nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
“Mặc dù có những chính sách quy định, định hướng nhưng nhà trường, giáo viên đang gặp khó khăn trong việc triển khai Chương trình giáo dục phòng ngừa. Các Chương trình giáo dục phòng ngừa, chương trình bảo vệ trẻ em không được xây dựng và triển khai mang tính kế thừa theo các cấp học, khó giúp các em hệ thống được kiến thức để bảo vệ mình”, bà Mai bày tỏ.
Ngoài ra, chuyên gia cũng đánh giá rằng các chương trình hiện nay khó thu hút học sinh, đạt hiệu quả không cao do thiếu tính sáng tạo, đổi mới về mặt hình thức, cách tiếp cận học sinh. Và không nên chỉ tập trung giáo dục học sinh, mà cần đồng thời các đối tượng khác nhau như bố mẹ, thầy cô.
Giải pháp ở đây bà Mai cho rằng: “Các cơ quan ngành giáo dục cần xây dựng các chương trình cụ thể, có hướng dẫn triển khai rõ ràng. Ngoài ra, nên thiết lập các chương trình phòng ngừa.
Nên có nội dung liên quan đến quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em có tính kế thừa ở các cấp học. Cần đổi mới sáng tạo hình thức, nâng cao năng lực của nhà trường và giáo viên trong giáo dục bảo vệ trẻ em”.
Vai trò của ngành giáo dục
TS.Nguyễn Thị Bích Thủy, Vụ Giáo dục, chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) đã thông tin những nhóm giải pháp mà Bộ đã triển khai bảo vệ quyền trẻ em.
Có 5 nhóm giải pháp đã được đưa ra bao gồm: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục, đào tạo; Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.
Trong thời gian tới, ngành giáo dục đang chú trọng triển khai giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống, kỹ năng sống nhằm bảo vệ trẻ em về mặt tư tưởng, tập trung vào hoạt động phòng ngừa ngay trong nhà trường.
Bà Thủy chia sẻ: “Năm học 2021-2022 Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra những chính sách, văn bản liên quan đến các chương trình giáo dục tập trung và phương hướng liên quan đến bảo vệ trẻ em.
Nhiệm vụ thực hiện quyền và luật trẻ em được lồng ghép vào những nhiệm vụ cụ thể mà Bộ GD&ĐT hướng tới”.
Trước mắt, là đảm bảo việc không ngừng học tập trong hoàn cảnh dịch bệnh. Chuyển đổi trạng thái ngành giáo dục thích ứng với trạng thái dịch bệnh. Tận dụng tối đa việc học trực tiếp để trang bị kiến thức tối đa cho học sinh.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Cục trẻ em cũng đưa ra những thông tin về hệ thống bảo vệ trẻ em tại Việt Nam.
Năm 2011, lần đầu tiên hệ thống bảo vệ trẻ em được đưa vào Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em. Hệ thống bảo vệ trẻ em là hệ thống thống nhất gồm ba thành phần: Pháp luật, tổ chức, cung cấp dịch vụ.
Từ hệ thống này, chúng ta có 3 cấp độ bảo vệ trẻ em.
Cấp độ 1: Dịch vụ phòng ngừa và bảo vệ trẻ em
Cấp độ 2: Hỗ trợ phát hiện sớm những trẻ em, gia đình có nguy cơ bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt,
Cấp độ 3: Can thiệp, hỗ trợ trẻ khi bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết: “Dịch vụ bảo vệ trẻ em nhằm tăng cường khả năng của xã hội, cộng đồng, gia đình nhằm đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, giúp trẻ em phát triển toàn diện.
Hỗ trợ là những dịch vụ giảm thiểu nguy cơ đối với nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Can thiệp là những hoạt động ngăn chặn ngay lập tức để giảm thiểu nguy cơ cho trẻ”.